Bí ẩn ngôi đình thiêng nằm trong lòng cây bồ đề ở quê hương bà Hoàng quyền lực nhất triều Nguyễn, trăm năm vẫn nguyên vẹn dù bị bỏ hoang
Đình tọa lạc giữa một cánh đồng, mặt tiền được hai cây bồ đề to lớn tỏa bộ rễ chằng chịt níu giữ. Toàn bộ ngôi đình được bao bọc bởi hàng trăm búi rễ.
Theo nhiều tài liệu sử sách ghi lại, đình Tân Đông hay còn gọi là đình Gò Táo, thuộc ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trong giai đoạn đầu, đình được xây dựng với quy mô nhỏ, chưa đầy 100m2 tại vị trí miếu Ông, ấp Gò Táo hiện nay. Khi mới lập, đình có tên gọi là đình làng Tân Niên Đông thuộc Tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công.
Theo lời của các bậc cao niên trong làng, đình Tân Đông từng nhận được sự ưu ái của Thái hậu Từ Dũ (1810-1902) vì nơi đây là quê hương của bà. Theo đó, năm 1904, bà Từ Dũ đã cho dời ngôi đình từ khu vực hẻo lánh ra mảnh đất đắc địa ngày nay. Tuy nhiên, do gặp thiên tai nên mãi đến năm 1907, ngôi đình mới được an vị tại địa điểm này. Để đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật, bà Từ Dũ đã cho mời thợ của Huế để vào đây thi công. Do vậy, những dấu tích chạm khắc còn sót lại trên các đầu cột kèo tại đình đều mang nét truyền thống của nhà rường Huế.
Qua lời kể của những vị cao niên trong làng, thời hoàng kim của ngôi đình gắn liền với những hội hè, lễ tế thu hút cả ngàn lượt người khắp cả vùng về hội tụ, vui chơi vào các ngày lễ hội trong năm.
Đến thời Pháp, đình trở thành nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Thời Mỹ, đình bị biến thành địa điểm giam giữ, tra khảo, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng. Sau giải phóng, đình trở nên hoang tàn, không ai hương khói, dọn dẹp. Nhờ vào sự nâng đỡ của 3 cây bồ đề mọc trên đỉnh ngôi đình, rễ cây vươn ra bám vào tường, một số rễ chạy dài theo các rãnh khe nứt của đình trở thành cột, kèo chạy dọc, chạy ngang mà giữ được ngôi đình vững chắc đến tận bây giờ.
Sau khi một cây bị mất, hai cây bồ đề được người dân giữ lại và canh chừng cẩn thận. Với người dân nơi đây, bồ đề được xem như hai cây thần vừa canh gác đình vừa làm nhiệm vụ nâng đỡ đình vượt qua thời tiết khắc nghiệt, gió bão triền miên.
Kiến trúc, hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Nội thất của đình theo lối nhà rường bằng gỗ ba gian hai chái, những mảng đục chạm ở đây được thể hiện vô cùng đẹp mắt, tinh xảo.
Gian giữa của đình là bệ thờ cổ, trên đó có chữ Thần mới được viết lại bằng sơn vàng trên nền đỏ. Bốn góc đình là bốn chữ Tiền vãng, Hậu vãng. Hai gian bên thờ Tả ban, Hữu ban. Trên đầu hồi còn những bài thơ chữ Hán đã mờ. Phía sau tường chánh điện có một bệ thờ được xây áp vào với hai bên là câu đối chữ Hán không còn đọc được rõ.
Mặt tiền của đình là 5 cửa vòm theo kiểu châu Âu, gian giữa cửa lớn, các gian bên nhỏ dần. Vòm cửa giữa được đắp hình cuốn thư nhỏ, đề 1907. Ở một cây cột bên cửa chính lộ ra khoảng trống giữa đám rễ cây có ba chữ đầu của một vế đối “bị thánh trạch…”, nghĩa là ân thánh bao trùm. Kiến trúc mái bằng ba gian ở phía trước đình được sử dụng làm nơi hát bội mỗi khi diễn ra lễ hội. Đối diện với kiến trúc này là bệ thờ lớn, có hai chữ Thần Nông, hai bên tả hữu có miếu thờ Thổ thần và Ngũ hành, cùng kiểu mái bằng.
Mỗi năm, đình Tân Đông có 4 lễ cúng: Lễ Kỳ Yên diễn ra ngày 16/2, Thượng điền ngày 16/5, Hạ điền ngày 16/8 và lễ cầu Ông ngày 16/11 âm lịch… Tuy nhiên, việc ngôi đình này thờ tự vị thần nào thì vẫn có nhiều tranh cãi.
Năm 2020, đình Tân Đông được trùng tu, sửa chữa. Dù vậy, ngôi đình vẫn giữ được nét riêng, độc đáo của đền chính là hai gốc cây bồ đề bám chặt vào bức tường phần chính điện. Đơn vị trùng tu đã cắt tỉa tạo dáng sao cho gốc rễ bồ đề không ăn vào các chi tiết, xử lý chống thấm và chống xuống cấp công trình. Theo nhiều người, ngôi đình Tân Đông rất linh thiêng, ai cầu cũng linh ứng, phụ nữ ít khi dám vào, trừ khi đến cúng bái, cầu xin.