Ngôi mộ cổ nằm trên một gò đất nổi lên giữa cánh đồng chiêm trũng, xung quanh là hàng chục cây di sản Việt Nam.
Nằm giữa gò Vình thuộc xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê của mảnh đất Phú Thọ có một ngôi mộ đặc biệt, đã tồn tại hơn nghìn năm qua. Nơi đây có những chuyện kỳ bí đến nay vẫn chưa thể lý giải nổi.
Ngôi mộ cổ bí ẩn
Không có một sử sách nào viết rõ về ngôi mộ cổ ấy và cũng không thể biết chắc nó xuất hiện từ bao giờ. Ngay cả với những người già nhất trong làng, nó đã ở đó, từ khi họ sinh ra. Những thông tin có được cho con cháu đời sau kính cẩn thờ cúng chỉ là những mẩu chuyện cũ được nhặt nhạnh, chắp vá. Chỉ nghe những cụ cao niên trong làng kể lại rằng, ngôi mộ cổ đó thờ công chúa Ngọc Hoa hay còn gọi là phu nhân Đường Thị Quế, người con thứ 7 của vua Hùng.
Thông tin trên Báo Dân Việt chia sẻ, tương truyền, xưa kia các vua Hùng vào vùng đất Chương Xá bây giờ. Khi ấy vào mùa nước, con gái vua chính là công chúa Ngọc Hoa cùng với đoàn thuyền đi ngắm trăng. Trong đêm trăng thanh gió mát, bỗng nhiên có một cơn gió nổi lên cuốn chìm thuyền của công chúa.
Khi tìm thấy, công chúa Ngọc Hoa đã mất. Vua cha sai quân lính múc đất vòng quanh, đào đắp một gò cao xây xung quanh để thờ công chúa. Ngôi mộ được xây bằng những viên đá ong, xung quanh trồng cây lộc vừng và hai cây cọ được ví như hai cây đèn sáng nơi đây.
Thế nhưng, trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Chương Xá có ghi, ngôi mộ ở gò Vình hiện tại thờ công chúa Tiên Dung hay còn gọi là phu nhân Trần Thị Quế chứ không phải công chúa Ngọc Hoa.
Mặc dù chủ nhân ngôi mộ có nhiều câu chuyện khác nhau, song gò Vình vô cùng linh thiêng và nhiều điều kỳ lạ. Tương truyền, nếu có ai bất kính, xâm phạm tới cây đều gặp chuyện không may. Những câu chuyện được các cụ già trong làng truyền lại cho con cháu đời sau luôn thấm đẫm màu sắc huyền bí.
Con số 86 linh thiêng
Những cây lộc vừng cổ thụ mọc tứ phía khum khum bao sát gò Vình thành 1 hàng rào chắn với 86 cây. Từ xa nhìn lại, gò Vình tựa như hình một con rùa đang bơi trên mặt nước. Nhìn theo hướng khác, cụ thể là đứng trên đồi Con Voi và đồi Con Kiến, vào mùa hoa nở lại giống như mâm xôi gấc đỏ au. Cùng với hai cây cọ như hai cây nhang mỗi bên.
Theo quan niệm dân gian, lộc vừng là loại cây mang lại giá trị phong thuỷ. Được trồng nhiều trong khuôn viên các gia đình, đình chùa. Loại cây này có ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc dồi dào, hưng thịnh. Tuổi thọ của lộc vừng có thể lên tới hàng trăm năm. Còn những cụm lộc vừng tại mộ cổ nơi đây ước tính đã hơn một nghìn tuổi. Lộc vừng có tác dụng điều hoà và làm sạch không khí. Những gốc lộc vừng vững chãi, vươn mình bám chắc vào đất mẹ tượng trưng cho ý chí kiên định. Ngoài ra, tuổi đời của lộc vừng tượng trưng cho sự trường thọ.
Kỳ lạ hơn nữa, những gốc lộc vừng chính ở đây là 86 gốc. Thời gian có thể làm thay đổi lộc vừng sinh trưởng, lụi tàn. Nhưng 86 gốc chính vẫn kiên cường ôm lấy gò Vình, che chở cho mộ cổ an yên giữa dòng thời gian. Được biết, con số 86 mang ý nghĩa nhất định trong niềm tin dân gian. Số 8 trong tiếng Hán đọc là "bát" gần với từ "phát" trong nghĩa phát triển. Số 6 đọc là "lục" gần âm với "lộc" mang nghĩa của cải, tiền bạc. Hai con số này kết hợp lại gọi là "phát lộc". Liệu điều này có ứng với việc người xưa mong những cây lộc vừng luôn sinh sôi, nảy nở kết sát lại che chở cho phần mộ của công chúa muôn đời?
Mỗi khi nhắc đến quần thể lộc vừng và ngôi mộ cổ ở gò Vình, người dân quanh vùng đều tỏ một lòng thành kính. Với họ, nơi ấy rất linh thiêng nên không ai dám mạo phạm. Năm 2013, quần thể lộc vừng ở gò Vình đã được công nhận là cây di sản Việt Nam, còn ngôi mộ cổ chưa được công nhận di tích. Tuy nhiên, với người dân địa phương, gò Vình vẫn như một “báu vật” cần gìn giữ của làng.