Bị các trang TMĐT lấy mất thị phần, Thế Giới Di Động và FPT Shop 'khai tử' hơn 500 cửa hàng trong 15 tháng
"Miếng bánh" thị phần đang dần rơi vào tay các trang thương mại điện tử khiến chuỗi điện thoại, laptop, điện máy của Thế Giới Di Động và FPT liên tục "khai tử" cửa hàng. Riêng FPT Shop ghi nhận doanh thu sụt giảm 2 chữ số.
Theo số liệu mới cập nhật, tại thời điểm ngày 30/6, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ & ĐMX) còn 3.139 cửa hàng, và FPT Shop còn 642 cửa hàng, lần lượt giảm 116 cửa hàng và 101 cửa hàng trong 30 ngày gần nhất.
Hai "ông lớn" này cùng đạt đỉnh quy mô vào thời điểm cuối quý I/2023 khi sở hữu 3.479 cửa hàng TGDĐ & ĐMX và 807 cửa hàng FPT Shop. Chỉ sau 15 tháng, tổng cộng hơn 500 cửa hàng đã bị "khai tử".
Nguồn: Tổng hợp |
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi TGDĐ & ĐMX ghi nhận doanh thu 44.200 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ, chiếm 67% tổng doanh thu của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG). Trong đó, kênh online mang lại 5.800 tỷ đồng, thấp hơn so với 7.800 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Dù số lượng cửa hàng giảm, nhưng doanh thu trên mỗi cửa hàng vẫn tăng trưởng, giúp mảng kinh doanh này của MWG chưa bước vào "downtrend".
Ngược lại, FPT Shop của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi này đạt 6.923 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu trên mỗi cửa hàng trong quý II/2024 đạt 1,6 tỷ đồng/tháng, không thay đổi so với quý trước.
'Miếng bánh" thị phần rơi vào tay các trang TMĐT
Trước đó, trong cuộc họp nhà đầu tư đầu năm 2023, ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng Giám đốc MWG đã nhận định về những khó khăn của ngành bán lẻ ICT từ quý IV/2022 khi sức mua điện thoại và điện máy bắt đầu suy yếu. Tâm lý thận trọng và trì hoãn trong quyết định chi tiêu các sản phẩm giá trị cao xuất hiện ngay cả ở nhóm khách hàng cao cấp, do niềm tin tiêu dùng suy giảm. Đồng thời, khách hàng có thu nhập thấp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng thông qua hình thức mua trả góp.
Thị trường đang ở trạng thái bão hòa, cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các trang thương mại điện tử (TMĐT), tạo thêm áp lực cho cả MWG và FPT.
Ngành hàng điện thoại, laptop, điện dân dụng tăng trưởng từ 48% - 72% so với cùng kỳ |
Nửa đầu năm 2024, TMĐT tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm sàn TMĐT hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1.533 triệu sản phẩm được giao thành công, tăng lần lượt 54,9% và 65,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tiktok Shop và Shopee đóng góp chính cho mức tăng trưởng này, với doanh số tăng lần lượt 150,5% và 65%.
Các ngành hàng cạnh tranh trực tiếp với TGDĐ & ĐMX và FPT Shop cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, nằm trong top doanh số trên các sàn TMĐT. Cụ thể, điện gia dụng đạt 9.944 tỷ đồng (tăng 48,4%), điện thoại & máy tính bảng đạt 8.396 tỷ đồng (tăng 71,5%), và laptop & thiết bị văn phòng đạt 2.705 tỷ đồng (tăng 64,4%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Metric, tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam trong quý III/2024 sẽ đạt 88.300 tỷ đồng, tăng 23,2% so với quý II/2024. TMĐT tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, đạt trung bình hàng năm từ 16 - 30% trong 4 năm qua, và dự kiến tiếp tục tăng trưởng 20%/năm đến năm 2026.
Lần đầu tiên sau 13 năm, cổ đông của một công ty chứng khoán đón mưa cổ tức tiền mặt
Triển khai mắt xích quan trọng trong dự án khí điện 12 tỷ USD