Bí quyết chọn cổ phiếu đỉnh cao của người đàn ông từ vô danh trở thành tỷ phú, lọt top giàu nhất nước Mỹ nhờ 1 mã duy nhất
Theo thống kê của tạp chí Forbes, tài sản của người đàn ông 86 tuổi hiện có giá trị 2,9 tỷ USD, là người giàu thứ 379 ở Mỹ.
Trở nên giàu có là ước mơ của rất nhiều người. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại có rất ít người có thể biến điều này thành sự thực và trở thành tỷ phú.
Trong lịch sử hiện đại, tỷ phú USD đầu tiên có lẽ là John D. Rockefeller, người được cho là có tài sản 1,4 tỷ USD từ năm 1916. Ở thời điểm đó, trung bình mỗi người dân Mỹ chỉ kiếm được 3.300 USD mỗi năm, vì thế nếu điều chỉnh theo lạm phát thì ngày nay tài sản của ông sẽ tương đương khoảng 33 tỷ USD. Ông thành công đến nỗi con cháu đời sau vẫn là tỷ phú USD nhờ kế thừa và phát triển khối tài sản khổng lồ mà ông để lại.
Xa hơn nữa, Marcus Crassus được cho là “tỷ phú giàu nhất thành Rome” với tài sản nhiều tỷ USD từ đất đai, buôn bán nô lệ và khai thác mỏ. Với tài sản tương đương 12 tỷ USD ngày nay, có thể gọi đây là một trong những nhà tài phiệt đầu tiên của thế giới cổ đại.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ đề cập đến câu chuyện ở một người rất bình thường, từ 1 người vô danh tự thân trở thành tỷ phú USD chỉ nhờ duy nhất 1 cổ phiếu.
Tên của ông là Stewart Horejsi. Đây thực sự là 1 câu chuyện thú vị. Cách làm giàu của ông rất đơn giản nhưng lại mang đến nhiều bài học giá trị mà ai cũng có thể áp dụng để xây dựng tài sản cá nhân.
Stewart Horejsi là ai?
Theo thống kê của tạp chí Forbes, tài sản của người đàn ông 86 tuổi hiện có giá trị 2,9 tỷ USD, là người giàu thứ 379 ở Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Kansas năm 1962, ông quay trở về quê nhà để làm việc cho công ty gia đình. Đến năm 1980, công ty mà ông tiếp quản đối mặt với bộn bề khó khăn. Các đối thủ cạnh tranh gay gắt khiến lợi nhuận sụt giảm rất mạnh, thậm chí công ty còn đứng trước nguy cơ phá sản.
Bước ngoặt của cuộc đời ông đến từ cuốn sách “The Money Masters” (tạm dịch: Những bậc thầy tiền bạc) của tác giả John Train. Cuốn sách tổng hợp các sở thích và những bí quyết của một vài nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới như John Templeton, Benjamin Graham và Warren Buffett. Được truyền cảm hứng từ cuốn sách, ông quyết định hành động.
Stuart đã mua 40 cổ phiếu của Berkshire Hathaway, công ty được chèo lái bởi Warren Buffett, ở mức giá 265 USD/cổ. Chỉ trong vài tháng, ông tăng dần lượng tích lũy và sau đó có 300 cổ. Tất nhiên ông không biết rằng bước khởi đầu đơn giản này đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình.
Qua thời gian Stuart tiếp tục mua vào cổ phiếu Berkshire và ở thời kỳ đỉnh cao có lúc ông đã sở hữu 5.800 cổ phiếu. Ngày nay, mỗi cổ phiếu loại A của Berkshire Hathaway có giá hơn 500.000 USD. Chỉ bằng cách đầu tư vào 1 cổ phiếu duy nhất và quan trọng là nắm giữ trong thời gian dài, ông đã trở thành tỷ phú.
Những đặc điểm hiếm có khó tìm của Berkshire Hathaway
Berkshire Hathaway là tập đoàn lớn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, luôn tìm kiếm những doanh nghiệp mà CEO Warren Buffett và “cánh tay phải” Charlie Munger tin rằng sở hữu mô hình kinh doanh tuyệt vời. Bộ đôi sẽ tìm cơ hội mua những doanh nghiệp này ở mức giá hợp lý.
Mặc dù đã thực hiện nhiều vụ M&A và cũng ưa thích cách làm này hơn vì có thể kiểm soát hoàn toàn các hoạt động cũng như dòng tiền của doanh nghiệp, Berkshire cũng đã mua nhiều cổ phiếu niêm yết.
Do đó, nếu sở hữu cổ phiếu Berkshire cũng đồng nghĩa nhà đầu tư sở hữu cổ phần trong nhiều công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm, đường sắt đến tiêu dùng, ngân hàng. Berkshire hiện đầu tư vào nhiều cổ phiếu nổi tiếng như Coca-Cola, Apple, Bank of America, GEICO, Southwest Airlines và American Express.
Quan trọng hơn, Berkshire có được 1 lợi thế lớn: nhờ thâu tóm nhiều công ty bảo hiểm, tập đoàn có thể sử dụng nguồn phí bảo hiểm dồi dào để làm đòn bẩy tăng tỷ suất lợi nhuận thu về từ các khoản đầu tư.
Kết quả là, Berkshire mang đến lợi suất “khủng” cho các cổ đông dài hạn như Stewart Horejsi. Trung bình kể từ năm 1965 đến nay cổ phiếu Berkshire đạt tốc độ tăng trưởng 19% mỗi năm, cao hơn hẳn so với mức 9,7% của chỉ số S&P 500 trong cùng kỳ. Và đừng quên rằng sức mạnh của lãi suất kép sẽ dẫn đến sự khác biệt rất lớn trong dài hạn.
Những tỷ phú khác có tài sản chủ yếu đến từ Berkshire Hathaway bao gồm Charles Munger, David Gottesman, Albert Ueltschi và Harold Alfond. Giống như Stuart, 2 người còn lại không hề nổi tiếng.
Ngày nay, Berkshire đã là 1 tập đoàn rất lớn với giá trị vốn hóa đạt khoảng 550 tỷ USD. Với quy mô như hiện nay, tốc độ tăng trưởng khó có thể cao như mức mà những nhà đầu tư từ sớm như Stuart đã được hưởng.
Tuy nhiên, cơ hội thì vẫn luôn ở đó vì Berkshire là 1 công ty đại chúng. Câu chuyện của ông ẩn chứa những bài học mà nhà đầu tư nào cũng có thể áp dụng.
Tầm quan trọng của sự kiên nhẫn
Một trong những điểm chủ chốt quan trọng nhất của hành trình xây dựng tài sản là sự kiên nhẫn. Stuart đầu tư vào Berkshire từ rất sớm và không rời bỏ. Ông đều đặn tới Omaha tham dự các đại hội cổ đông, tiếp tục đặt niềm tin và tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng điều này không phổ biến. Hầu hết mọi người quá vội vã hoặc hoảng sợ mà bán ra quá sớm, ngay khi có tin xấu xuất hiện. Đó là góc nhìn thiển cận bởi vì bản chất của hoạt động kinh doanh là phải trải qua nhiều thăng trầm. Một nhà đầu tư thông minh sẽ biết rõ điều này, thậm chí có kế hoạch tận dụng nó.
Cũng có không ít người sở hữu cổ phiếu Apple hay Amazon từ sớm nhưng chỉ có được mức lợi suất 20-30% vì sớm bán đi để chốt lời. Chốt lời quá sớm khiến họ bỏ lỡ cơ hội thu về mức tăng trưởng hàng trăm, hàng nghìn phần trăm.
Hơn nữa, chỉ có kiên nhẫn mới giúp bạn tận dụng sức mạnh kỳ diệu của lãi suất kép – kỳ quan thứ 8 của loài người, chìa khóa giúp “tiền đẻ ra tiền”.
Hiểu rõ những gì bạn sở hữu
Tất nhiên chỉ có tầm nhìn dài hạn là chưa đủ. Đã có rất nhiều ví dụ về những công ty “từ hero về zero”. Điều này đưa chúng ta về 1 điều quan trọng khác: nắm rõ tình hình kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp mà bạn muốn sở hữu cổ phiếu.
Stuart không phải là người kỳ cựu ở phố Wall hay nhà đầu tư thiên tài. Ông chỉ là 1 chủ doanh nghiệp nhỏ rất bình thường đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thay vì tái đầu tư số tiền còn lại, ông đã có lựa chọn thông minh khi đầu tư vào cổ phiếu Berkshire.
Và trước đó, ông đã có mong muốn cải thiện bản thân bằng cách đọc sách, trang bị thêm kiến thức và tìm kiếm cơ hội.
Ông hiểu rõ Berkshire là 1 “cỗ máy in tiền” được vận hành trơn tru luôn tìm kiếm cơ hội tái đầu tư dòng tiền mặt dư thừa. Sự am hiểu sâu sắc này giúp Stuart vững niềm tin vào cổ phiếu Berkshire, bỏ qua những biến động lên xuống mang tính ngắn hạn. Sự thực là trong thời gian đó cũng có không ít lần cổ phiếu Berkshire rớt giá hay bị đối thủ vượt mặt.
Triết lý đầu tư của Stewart đối lập với day trading và những phương pháp làm giàu chóng vánh khác.
Chọn trúng cổ phiếu tăng giá 4.000.000%, cụ ông trở thành tỷ phú và lọt top giàu nhất nước Mỹ
Giao dịch gần 700 tỷ đồng sắp được CII thực hiện có gì đáng chú ý?
Một cổ phiếu xây dựng tăng trần 7 phiên liên tiếp trước ngày đấu giá trọn lô cổ phần của SCIC