Tập đoàn Thái Lan đã kiện và yêu cầu Aqua One mua lại cổ phần trong công ty Sông Đuống.
Aqua One bị kiện vì “lật kèo”
Một trong những thông tin được quan tâm nhất hiện nay trên thị trường tài chính chính là thông tin Tập đoàn Thái Lan WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) đã kiện Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, liên quan vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần. Thông tin này được công bố tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET).
WHAUP thông qua công ty con là WHAUP (SG) 2DR đã đầu tư vào Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống từ tháng 10/2019 bằng cách mua lại 34% cổ phần từ ông Đỗ Tất Thắng, tương đương với số tiền hơn 1.886 tỷ đồng.
WHAUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại công ty Sông Đuống cho Aqua One (cổ đông lớn của Sông Đuống), với giá bằng mức tập đoàn này đã thanh toán cộng thêm giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng.
Quyền bán sẽ được thực hiện trong trường hợp công ty Sông Đuống không chuyển cho WHATUP (SG) 2DR Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã sửa đổi trước ngày 25/10/2020, với nội dung nâng công suất dự án khai thác Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.
Aqua One là một bên trong hợp đồng mua bán cổ phần, đóng vai trò là bên bảo lãnh cho ông Đỗ Tất Thắng và công ty Sông Đuống về nghĩa vụ xin cấp phép Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi.
Tuy nhiên, công ty Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không cung cấp được bản đăng ký sửa đổi theo như thỏa thuận. Đến ngày 23/11/2020, WHAUP (SG) 2DR đã gửi thông báo cho Aqua One về việc sẽ thực hiện quyền bán lại cổ phần trong công ty Sông Đuống.
Như vậy, Aqua One có nghĩa vụ mua cổ phần từ WHAUP (SG) 2DR trước ngày 7/6/2021. Thế nhưng, sau 3 tháng, Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nêu trên.
Vì vậy, WHAUP đã đệ đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào ngày 30/9/2021. Đồng thời, Tập đoàn Thái Lan yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ của mình theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần.
WHAUP mua đắt?
Năm 20219, WHAUP gây chú ý với thương vụ được đánh giá là “mua đắt”.
Cụ thể, Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan công bố thông tin WHAUP mua gần 34 triệu cổ phiếu (tương đương 34%) cổ phần từ ông Đỗ Tất Thắng, một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (SDWTP) với trị giá tổng cộng hơn 2.073 tỷ đồng.
WHAUP mua gần 34 triệu cổ phiếu (tương đương 34%) cổ phần từ ông Đỗ Tất Thắng, một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống với trị giá tổng cộng hơn 2.073 tỷ đồng. Nhưng vậy giá bình quân mà WHAUP phải chi ra là gần 61.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá rất cao so với một công ty chưa hoàn thành sản phẩm.
Cổ đông Thái Lan đang sở hữu 34% vốn Nước mặt sông Đuống là doanh nghiệp WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP). Ngoài khoản đầu tư vào Nhà máy Nước mặt sông Đuống, WHA còn sở hữu khoảng 41% cổ phần tại Công ty CP Cấp nước Cửa Lò (CLWasco - Nghệ An). Bên cạnh đó, WHA cũng đang phát triển dự án khu công nghiệp WHA industrial Zone 1 với tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, quy mô 3.200ha, tại địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Nghệ An.
Aqua One doanh thu 0 đồng
Vụ kiện này Aqua One nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam vì Công ty cổ phần Nước Aqua One có liên quan đến bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam.
Sau khi tìm hiểu về Aqua One, không ít người đã “sốc” khi chứng kiến bức tranh tài chính u ám của công ty này. Nếu chỉ dựa vào bản thân, Aqua One rất khó có đủ hàng ngàn tỷ đồng để mua lại cổ phần Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống như cam kết vì năm 2020 và năm 2019, doanh thu của công ty chỉ là… 0 đồng.
Có thể thấy, nguồn thu của Aqua One trong 2 năm gần đây hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty con. Tuy nhiên, không phải công ty con nào cũng hoạt động hiệu quả vì Aqua One phải dành 2 tỷ đồng cho dự phòng đầu tư tài chính dài hạn.
Trong năm 2019, nhờ có doanh thu hoạt động tài chính gần 105 tỷ đồng nên Aqua One vẫn có lãi dù đó chỉ là con số rất nhỏ 2,8 tỷ đồng. Sang năm 2020, công ty không được may mắn như vẫn khi vẫn duy trì doanh thu 0 đồng còn doanh thu tài chính giảm sâu xuống 24,7 tỷ đồng. Kết quả là công ty thua lỗ 67,6 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm 31/12/2020, Aqua One lỗ luỹ kế 68,4 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.969 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp của công ty là 2.000 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là không phát sinh nổi 1 đồng doanh thu nhưng Aqua One vẫn đẩy mạnh đi vay. Cả vay nợ ngắn hạn và dài hạn đều tăng khiến tổng nợ vay lên tới 674 tỷ đồng.
Với bức tranh tài chính u ám như vậy, huy động đủ ngàn tỷ để mua lại cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống không phải là bài toán dễ giải của Aqua One.