Khi việc chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ tiếp tục bị gián đoạn, Trung Quốc lại đang có lợi thế nhờ tuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu.
Ngày càng có nhiều đơn vị vận tải chuyển sang sử dụng CRE (China-Europe Railway Express) - một mạng lưới dịch vụ đường sắt kết nối Trung Quốc và châu Âu. Đây được coi như một giải pháp vận chuyển thay thế trong bối cảnh khủng hoảng Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động vận tải quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng việc gia tăng sử dụng mạng lưới này làm nổi bật vai trò quan trọng của tuyến đường sắt trong việc ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó, lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công các tàu thương mại "có liên quan đến Israel" kể từ tháng 11/2023. Các cuộc tấn công làm tăng rủi ro đối với các công ty vận tải di chuyển hàng hóa qua một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới, dẫn đến giá cước tăng vọt và sự chậm trễ kéo dài.
Theo báo cáo gần đây của Fitch Ratings, năng lực vận chuyển hàng hóa của CRE đã có sự mở rộng lớn so với mức trước khủng hoảng.
Kong Weidong, trưởng chi nhánh khu vực Trịnh Châu của T.H.I Group - một công ty chuyển phát hàng hóa, ghi nhận nhiều lượt yêu cầu về dịch vụ tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu kể từ đầu năm nay.
Kong cho biết: “Kể từ tháng 1, số lượng yêu cầu tăng hơn 10 lần và khối lượng hàng hóa xuất khẩu thực tế cũng tăng gấp 3 đến 4 lần”.
Theo Kong, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt Trung Quốc-châu Âu thường mất từ 12 đến 18 ngày để đến các điểm đến châu Âu từ các thành phố của Trung Quốc, với chi phí khoảng 6.500 USD mỗi container.
Kang Yingfeng, phó Tổng Giám đốc của công ty Vận tải Đa phương thức quốc tế Trung Quốc (CRIMT), tiết lộ các công ty logistics quốc tế như DHL và Kuehne+Nagel đã thể hiện sự quan tâm lớn đến tuyến vận tải hàng hóa Trung Quốc - châu Âu mới, kết hợp vận tải đường sắt và đường biển qua biển Caspian và Biển Đen.
Tháng trước, DHL nói rằng yêu cầu vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ đường sắt đến Nga tăng khoảng 40% kể từ khi các tàu container bắt đầu chuyển hướng qua những tuyến đường dài hơn vào tháng 12/2023 qua Mũi Hảo Vọng, điểm phía Nam của châu Phi.
Fu Cong, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu, chỉ ra khoảng 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu phụ thuộc vào tuyến đường Biển Đỏ trước khi cuộc khủng hoảng bùng nổ.
Nhưng hiện tại, 90% tàu container từ Trung Quốc buộc phải định tuyến lại qua Mũi Hảo Vọng, khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm 12 ngày.
Ông nói thêm rằng trong hoàn cảnh như vậy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu cân nhắc sử dụng CRE.
Đại sứ nhận định: “Với sự sụt giảm khối lượng vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ, tuyến đường bộ này đã đi ngược lại xu hướng và chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các yêu cầu về dịch vụ vận chuyển đường sắt tăng gần gấp đôi”.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ container đều dự đoán rằng vận tải đường sắt sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Tại cuộc phỏng vấn gần đây với China News Service, giáo sư Hannes Fellner từ Đại học Vienna, cho biết CRE đóng vai trò “ổn định”, đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng Biển Đỏ.
Trong khi đó, giáo sư Fabio Massimo Parenti tại Viện Quốc tế Lorenzo de' Medici ở Florence, coi CRE là một lựa chọn bổ sung cho các tuyến hàng hải và là "một ví dụ về tầm quan trọng của các ý tưởng mà Trung Quốc đang đầu tư cùng với các nước khác".
CGTN cho hay, hơn 200 thành phố ở châu Âu được hưởng lợi từ CRE. Theo dữ liệu từ Đường sắt Trung Quốc, đến cuối tháng 2/2024, mạng lưới CRE đã mở rộng tới 219 thành phố trên 25 quốc gia châu Âu.
>> Căng thẳng ở Biển Đỏ đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải và thương mại toàn cầu