Biệt thự cổ bà Trương Mỹ Lan muốn xin lại: Chuyên gia nhận định là ‘báu vật’, kiến trúc không thua kém Dinh Thống đốc một thời
Căn biệt thự mà bà Trương Mỹ Lan muốn xin lại tọa lạc tại “vị trí vàng” của TP. HCM có diện tích gần 3.000m2.
Theo báo Vietnamnet, tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 4/11, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 đồng phạm đã ra tòa. Tại đây, bà Lan khẳng định không kêu oan mà chỉ mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm đoàn tụ cùng gia đình. Bà cũng xin HĐXX trả lại một số tài sản, bao gồm tòa biệt thự cổ tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP. HCM.
Căn biệt thự này rộng gần 3.000m2, từng có tên gọi Biệt thự Phương Nam, do hai bà Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (quốc tịch Mỹ, sinh năm 1934) đứng tên sở hữu.
Căn biệt thự Võ Văn Tần là công trình kiến trúc giá trị của thành phố |
Nằm ở vị trí đắc địa tại quận 3, TP. HCM, biệt thự giáp ba mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu. Năm 2013, biệt thự được rao bán với giá 47 triệu USD. Đến năm 2015, bà Trương Mỹ Lan đã mua lại thông qua Công ty Cổ phần Minerva với giá 35 triệu USD, khoảng hơn 700 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó.
Biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, là công trình cấp 2-3, gồm 2 tầng với tổng diện tích sàn hơn 2.500m2, hướng Bắc - Nam, được thiết kế theo từng khối công trình. Phần chính rộng 990m2, gồm 16 phòng. Lối vào chính có hai lớp cửa gồm cửa gỗ bên trong và cửa cuốn sắt bên ngoài. Mái lợp ngói đỏ, các mấu nối được lắp cột thu sét vừa an toàn vừa là điểm nhấn trang trí.
Căn biệt thự cổ đang được trùng tu dang dở. Trước đây, căn biệt thự dự kiến được trùng tu hoàn thành năm 2022, tuy nhiên trước đó bà Lan bị bắt khiến quá trình thi công phải tạm dừng |
Nguyên vật liệu xây dựng căn biệt thự này được vận chuyển từ Pháp qua đường biển. Các chi tiết như cổng vòm, ban công, trụ, cửa sổ, và cửa chính được chế tác tinh xảo từ sắt Tây nhập khẩu trực tiếp từ Pháp. Bên cạnh đó, các phần như gạch nền của biệt thự không phải gạch xi măng mà là gạch ceramic được sản xuất riêng; toàn bộ kính mờ nhập khẩu từ châu Âu; hệ thống tranh tường, trần nhà đặc sắc…
Theo người dân Sài Gòn, biệt thự Phương Nam từng là một trong những ngôi nhà đẹp nhất thành phố, được đánh giá không thua kém Dinh Thống đốc Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Thành phố) hay trụ sở UBND TP. HCM.
Các chi tiết trong căn biệt thự đều được thiết kế, trạm trổ tỉ mỉ |
Sau khi Công ty Cổ phần Minerva mua lại, năm 2018, kiến trúc sư Nicolas Viste (Pháp), trưởng nhóm trùng tu biệt thự, cho biết: “Biệt thự này là báu vật quốc gia, mang nét đặc trưng văn hóa Việt Nam đã bị lãng quên. Thiết kế biệt thự áp dụng kỹ thuật tiên tiến và vật liệu cao cấp của thời đó, tạo nên một công trình bền vững với thời gian”.
Ngoài quy mô và kiến trúc, biệt thự cổ Võ Văn Tần với những chi tiết nội thất bên trong cũng được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Sài Gòn những năm 1920.
Ảnh: Báo Tiền Phong, tổng hợp