Bình Dương và Đồng Nai sẽ là điểm đến tiếp theo của tuyến metro số 1
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được thực hiện đạt khoảng 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được nghiên cứu kéo dài từ TP.Thủ Đức (TP.HCM) đến gần nút giao Tân Vạn, sau đó chia 2 nhánh đi tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài khoảng 50km.
Đây là thông tin được nhiều người phấn khởi đón nhận, mong chờ phương án trên sớm được triển khai, giao thông kết nối giúp việc di chuyển của người dân các địa phương nhanh chóng, thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển…
Kế hoạch kéo dài tuyến metro của TP.HCM cùng phương án nối qua tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đã được các địa phương liên quan nghiên cứu thống nhất nhằm tăng kết nối vùng.
Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ diễn ra vào đầu tháng 7-2023, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, các địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đang nghiên cứu phương án kéo dài tuyến metro số 1 từ ga bến xe Suối Tiên đến nút giao Tân Vạn khoảng 1,8km (từ ga bến xe Suối Tiên đi trên cao bên phải quốc lộ 1, sau đó rẽ trái nối qua ga Bình Thắng (ga S0) trước nút giao Tân Vạn); từ đây sẽ phân ra một nhánh đi Đồng Nai dài hơn 18km, một nhánh về Bình Dương dài 29,55km.
Nhánh đi qua địa bàn Đồng Nai có 3 đoạn gồm: đoạn từ ga S0 đến ngã ba Vũng Tàu dài khoảng 3,8km; đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến Chợ Sặt dài khoảng 8,9km và đoạn từ ngã ba Chợ Sặt về khu vực xã Hố Nai 3 dài khoảng 5,6km.
Nhánh còn lại về Bình Dương với chiều dài gần 30km, xây trên cao. Từ ga S0, tuyến chạy qua nút giao Bình Chuẩn, sau đó nối đến Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, TP.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một).
Hiện việc kết nối giao thông đường bộ giữa Đồng Nai và TP.HCM thông qua đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây qua cầu Long Thành; quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai và quốc lộ 1K qua cầu Hóa An (cả hai tuyến quốc lộ này đều qua địa phận tỉnh Bình Dương kết nối với TP.HCM).
Thực tế, tất cả các tuyến kết nối đường bộ trên đều bị quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Do vậy, việc xây dựng phương án triển khai kéo dài tuyến metro số 1 là rất cần thiết. Tuyến đường sắt trên cao này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân các địa phương mà còn giúp mở ra nhiều cơ hội kết nối, tạo đà cho sự phát triển chung cho cả vùng Đông Nam bộ.
Thông tin về phương án kéo dài tuyến metro số 1 đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận trong tỉnh, trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kéo dài tuyến đường sắt này được xác định là cần thiết để tăng kết nối vùng, kích cầu du lịch, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội các đô thị trong tương lai.
Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch phân khu C4: Cơ hội cho ba ông lớn BĐS trên sàn
Novaland (NVL): Dự án trọng điểm Aqua City được khơi thông, sắp đón dòng vốn 10.000 tỷ đồng