Bộ Công an khuyến cáo: Người dân cảnh giác với những quảng cáo sử dụng 3 từ ngữ sau
Bộ Công an khẳng định mọi vi phạm sẽ được xác minh, điều tra và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.
Theo Báo Chính phủ, người dân đặt câu hỏi: Hiện nay, nhiều cá nhân nổi tiếng và có uy tín như biên tập viên truyền hình, diễn viên, KOL, bác sĩ… tham gia quảng cáo nhiều sản phẩm, trong đó có thực phẩm, sữa... Xin Bộ Công an cho biết, các cá nhân trên sẽ bị xử lý như thế nào nếu quảng cáo không đúng sự thật? Cơ quan Công an có khuyến cáo gì và sẽ có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng lạm dụng sự nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật?

Trả lời vấn đề này, Bộ Công an khẳng định, pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, bao gồm việc cung cấp thông tin không đúng về số lượng, chất lượng, giá cả, công dụng, xuất xứ, bao bì, chế độ bảo hành và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ; hoặc gây nhầm lẫn về năng lực kinh doanh, chất lượng, công dụng và thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo hoặc bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự.
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên không gian mạng sử dụng danh tiếng cá nhân để cấu kết, tiếp tay trong việc quảng bá và buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm. Việc này nhằm tạo tính răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa các hành vi vi phạm, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và lành mạnh hóa thị trường cũng như lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.
Bộ Công an nhấn mạnh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm sẽ được xác minh, điều tra và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.
Bộ cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và nâng cao cảnh giác trước các nội dung quảng cáo. Người tiêu dùng không nên tin tưởng một cách mù quáng vào hình ảnh hay phát ngôn của người nổi tiếng trong các chiến dịch quảng bá, đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, sữa trẻ em…

Khi tiếp cận các nội dung quảng cáo, người dân nên:
- Kiểm tra tính xác thực của sản phẩm (tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận chất lượng qua các kênh chính thống như trang web của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Cục An toàn thực phẩm...).
- Đọc kỹ nội dung quảng cáo, đối chiếu với công dụng thực tế.
- Cảnh giác với quảng cáo có dấu hiệu “thổi phồng”, sử dụng các từ ngữ tuyệt đối như “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”...
Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các cá nhân nổi tiếng, có uy tín và tầm ảnh hưởng trong xã hội, Bộ Công an yêu cầu chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo. Những người này cần nhận thức được trách nhiệm xã hội, cẩn trọng với các phát ngôn trên mạng xã hội và trong các hợp đồng quảng bá, tránh đưa ra thông tin sai lệch, thổi phồng tính năng, công dụng sản phẩm nếu không có cơ sở khoa học hoặc tài liệu chứng minh. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm khắc…
>> Trước khi bị tạm giam, gian hàng của Hằng Du Mục kiếm hơn 58 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng