Bộ Công an yêu cầu Cục Viễn thông phối hợp, chặn ứng dụng hàng triệu người dân Việt Nam truy cập
Cơ quan Công an cho biết thời gian qua có nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng này.
Theo thông tin từ Vietnamnet, Cục An ninh và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an đã gửi văn bản đến Cục Viễn thông yêu cầu phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Telegram ra đời năm 2013, là nền tảng mạng xã hội miễn phí, có độ bảo mật cao. Ứng dụng này cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện, chia sẻ tệp tin... Sau hơn 10 năm phát triển, nó trở thành nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều thứ 7 trên toàn thế giới, có đến khoảng 950 triệu người dùng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ quan Công an cho biết thời gian qua có nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng này. Trong số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam có đến 68% là kênh, nhóm độc, hại. Đặc biệt, các hội, nhóm độc do các đối tượng xấu tạo lập, phát tán tài liệu chống phá, gây nên nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, thậm chí liên quan đến ma túy, khủng bố.
Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Telegram cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, Telegram phải có trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ cho cơ quan quản lý, kiểm tra giám sát, loại bỏ và ngăn chặn thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Đối với trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để “ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật”. Đồng thời, các cơ quan sẽ áp dụng biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Theo công văn, việc lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện các hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 9 Luật Viễn thông. Khi đó, doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch vụ.
Bên cạnh đó, căn cứ theo pháp luật về viễn thông, từ ngày 1/1/2025, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, Telegram không chấp hành quy định này. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn.
Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Nghị định 163/2024/NĐ-CP, triển khai các giải pháp và biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới có ít nhất 8 quốc gia là Tây Ban Nha, Pakistan, Na Uy, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Indonesia đã có động thái hạn chế hoặc ngừng sử dụng Telegram. Đáng nói, năm 2018, Nga cũng đã từng chặn ứng dụng này vì các tổ chức khủng bố sử dụng nó để liên lạc với nhau.
>>Bộ Công an ra công điện, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ quan trọng
Sĩ quan Việt Nam tại Mỹ được Bộ Công an thăng hàm Thượng tá trước thời hạn
Bộ Công an phản hồi về mức phạt sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực