Bộ Giao thông vận tải nói gì về ý tưởng thí điểm taxi sân bay của tỉnh Bình Định?
Theo Bộ Giao thông vận tải, công nghệ này đang được một số quốc gia thử nghiệm để phục vụ vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về việc xin chủ trương xây dựng đề án thí điểm triển khai taxi bay trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung trả lời, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc triển khai Luật Phòng không nhân dân, từ đó làm cơ sở xây dựng đề án thí điểm taxi bay.
Taxi bay hay còn gọi là e-VTOL (electric Vertical Take-Off and Landing) là phương tiện hàng không nhỏ, sử dụng động cơ điện, có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng.
Ảnh minh họa |
Công nghệ này đang được một số quốc gia thử nghiệm để phục vụ vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa. Tuy nhiên, việc triển khai chính thức vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu.
>> Tuyến đường 40km thuộc đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được mở rộng gấp đôi
Tháng 10 vừa qua, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ đã ban hành các quy định đầu tiên cho máy bay tự động và e-VTOL, thuộc nhóm phương tiện Power Lift Categories với kế hoạch đưa vào khai thác từ năm 2028.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến bắt đầu khai thác e-VTOL từ năm 2025 và mở rộng quy mô vào năm 2035. Tại Thái Lan, các chuyến bay thương mại thử nghiệm e-VTOL có thể được thực hiện tại các điểm du lịch như Phuket và Koh Samui vào năm 2025.
Mặc dù vậy, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và phần lớn các quốc gia vẫn chưa xây dựng được quy định tiêu chuẩn hóa đối với việc khai thác e-VTOL, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh và an toàn.
Tại Hội nghị không lưu lần thứ 14 diễn ra ở Montreal, Canada vào tháng 9/2024, ICAO nhận định rằng sự đa dạng trong công nghệ và mô hình khai thác e-VTOL khiến việc ban hành các quy định thống nhất trở nên phức tạp.
ICAO đã khuyến nghị các quốc gia tiếp tục chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để đảm bảo việc khai thác an toàn trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết, chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến quản lý và khai thác hoạt động taxi bay.
Việc nghiên cứu và triển khai mô hình này cần được thực hiện theo lộ trình khoa học, thận trọng, đảm bảo an toàn và bền vững, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Theo công văn ngày 28/10/2024, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương để tỉnh xây dựng đề án thí điểm taxi bay.
Bộ Giao thông vận tải bày tỏ sự ủng hộ đối với các địa phương, bao gồm Bình Định, trong việc nghiên cứu phát triển loại hình vận tải này nhằm cải thiện khả năng di chuyển, đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương.
Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý rằng kiến nghị từ phía UBND tỉnh Bình Định hiện mới dừng lại ở các thông tin chung, chưa đề cập cụ thể đến khung pháp lý, kế hoạch thực hiện hay các nội dung chi tiết cần thiết để triển khai đề án.
>> Thưởng Tết 2025: Một doanh nghiệp BĐS ‘chơi lớn’ tặng hẳn xe Mercedes 2 tỷ đồng
Bình Định sắp có nhà máy hơn 10 triệu USD tại khu kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam
Bình Định sắp đấu giá khu đất vàng xây khách sạn 5 sao, giá khởi điểm hơn 200 tỷ