Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025: Động lực cho cổ phiếu đầu tư công
12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ được hoàn thành theo 3 mốc thời gian, tương ứng với các dịp lễ lớn của đất nước: 30/4, 2/9 và 31/12/2025.
Theo Báo Đầu tư, Báo cáo tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ GTVT đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng để hoàn thành các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cùng các dự án đường bộ cao tốc khác, góp phần hoàn thành mục tiêu cả nước đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Bộ GTVT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án: dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP. HCM - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1… ngay trong quý I và II/2025.
Đối với 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các dự án sẽ hoàn thành theo 3 mốc thời gian gắn với các dịp lễ quan trọng của đất nước vào 30/4, 2/9 và 31/12/2025. Cụ thể, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2025, bao gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,28km, Hàm Nghi – Vũng Áng dài 54,2km và Bùng – Vạn Ninh dài 49km. Vào dịp 2/9/2025, 5 dự án sẽ hoàn thành: Vũng Áng – Bùng dài 55km, Vạn Ninh – Cam Lộ, Hoài Nhơn – Quy Nhơn dài 70km, Quy Nhơn – Chí Thạnh dài 61,7km và Chí Thạnh – Vân Phong dài 48km. Ba dự án cuối cùng sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2025, gồm Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài 88km, Cần Thơ – Hậu Giang dài 37,65km và Hậu Giang – Cà Mau dài 37,65km.
Thi công xây dựng hầm Tuy An tại dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, bên cạnh các dự án có khả năng hoàn thành hoặc vượt tiến độ, vẫn còn 8 dự án dài 281km cần giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng và tổ chức thi công để đạt tiến độ đề ra. Đặc biệt, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm và dự án Vành đai 3 TP. HCM, việc đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp khoảng 65,3 triệu m3 đang là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các dự án theo kế hoạch. Mặc dù các địa phương đã huy động tối đa các mỏ trên địa bàn, thủ tục cấp phép vẫn còn chậm và công suất khai thác chưa đủ đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Hiện nay, công suất khai thác cát bình quân là 76.131 m3/ngày, các mỏ đang làm thủ tục có công suất 68.894 m3/ngày. Nếu hoàn thành thủ tục cấp phép cho các mỏ trong tháng 12/2024, công suất khai thác sẽ đạt 145.025 m3/ngày, nhưng vẫn thiếu khoảng 94.021 m3/ngày so với yêu cầu của tiến độ các dự án. Để đảm bảo tiến độ thi công, Bộ GTVT yêu cầu phải huy động tối đa nguồn cát từ các mỏ trong khu vực (bao gồm cả cát biển) và các nguồn cát sẵn có trên thị trường.
Theo báo cáo “Chiến lược đầu tư 2025 - Kỷ nguyên vươn mình” của Chứng khoán PSI, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Các dự án có sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ.
Nguồn: PSI |
Theo PSI, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vẫn đang bám sát kế hoạch. Tình hình triển khai các đoạn cao tốc thành phần trong dự án khả quan hơn so với giai đoạn 1, cơ bản đã hoàn thành xong khâu giải phóng và san lấp mặt bằng dù vẫn còn những khó khăn nhất định liên quan đến việc thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng. Theo đó, 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được kỳ vọng hoàn thành trong năm 2025. Đây là một trong những động lực tăng trưởng cho cổ phiếu đầu tư công.