Đón cú hích từ dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD, cổ phiếu xây dựng, đầu tư công đồng loạt ‘nổi sóng’
Hàng loạt cổ phiếu xây dựng, đầu tư công tăng mạnh sau khi Quốc hội bấm nút thông qua đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD.
VN-Index mở cửa phiên sáng ngày 2/12 với mức tăng hơn 5 điểm lên mức 1.255. Thị trường có lúc chạm 1.257 điểm nhưng nhanh chóng đảo chiều dưới áp lực bán từ nhóm cổ phiếu bluechip. Dù vậy, sự hồi phục của nhóm Midcap đã giúp chỉ số duy trì được sắc xanh và neo trên mức 1.252 điểm.
Nổi bật là nhóm xây dựng, đầu tư công với mức tăng khả quan như C4G (+5,3%), HHV (+4,6%), VCG (+3,4%), FCN (+3,3%), CII (+3,2%), LCG (+3%), CTD (+2,1%)...
Đà tăng này diễn ra sau khi Quốc hội bấm nút thông qua đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào chiều ngày 30/11 vừa qua. Theo ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đây là một dự án chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Với tổng chiều dài 1.541km và tốc độ thiết kế lên tới 350km/h, tuyến đường sắt này không chỉ nằm trong top 10 dài nhất thế giới mà còn đạt tốc độ cao nhất hiện nay tại Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), được triển khai theo hình thức đầu tư công với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào năm 2035. Tuyến đường sắt được nối từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Dự án sẽ xây dựng 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa và sử dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa để phục vụ cả nhu cầu vận tải hành khách lẫn quốc phòng.
Cổ phiếu xây dựng, đầu tư công tăng mạnh sau khi Quốc hội bấm nút thông qua đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD |
Trong kế hoạch triển khai dự án trước đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến ưu tiên nguồn lực để khởi công 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027. Theo báo cáo của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tổng mức đầu tư cho giai đoạn này ước tính khoảng 29,1 tỷ USD. Với mức đầu tư lớn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, ngành thép dự kiến hưởng lợi nhiều nhất từ dự án, đặc biệt là khi Chính phủ ưu tiên sử dụng thép sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ được hưởng lợi nhờ vào lợi thế từ các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và nhà máy Dung Quất 2, qua đó mở rộng năng lực sản xuất.
Với ngành đá, Chứng khoán Yuanta kỳ vọng các doanh nghiệp như CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), CTCP Vật liệu Xây dựng Vĩnh Long (VLB) và CTCP Hóa An (DHA) sẽ hưởng lợi nhờ trữ lượng lớn và giấy phép khai thác dài hạn, sẵn sàng cung cấp nguồn đá cho dự án.
Về ngành xi măng, các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) và CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) sẽ có cơ hội lớn nhờ vào năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu trong giai đoạn triển khai dự án.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán kỳ vọng các nhà thầu trong nước có cơ hội giành các hợp đồng thầu như CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), CTCP Fecon (FCN), CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) và CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV).
Ngoài các ngành vật liệu xây dựng, nhóm ngân hàng cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ dự án, đặc biệt là các ngân hàng lớn với chi phí vốn thấp như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) có thể tham gia cung cấp tài chính cho dự án quy mô lớn này.