Bộ Nội vụ đề xuất tiêu chí đặt tên xã sau khi sáp nhập hành chính
Đối với cấp xã, tên gọi phải ngắn gọn, dễ nhớ, mang tính hệ thống, khoa học, phản ánh yếu tố lịch sử - văn hóa địa phương và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Theo chương trình phiên họp, chiều nay (ngày 14/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để xem xét, thông qua nghị quyết mới về việc sắp xếp đơn vị hành chính, thay thế Nghị quyết số 35/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Theo dự thảo nghị quyết do Bộ Nội vụ trình, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là việc hợp nhất giữa các tỉnh hoặc giữa tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương để hình thành tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương mới.
Việc này được thực hiện theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, và khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương.

Đối với cấp xã, việc sắp xếp bao gồm thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới để tinh gọn bộ máy, đảm bảo quy mô hợp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, theo đúng tỉ lệ sắp xếp đã được phê duyệt.
Trường hợp sáp nhập các phường hoặc xã, thị trấn cùng cấp, đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp sẽ giữ nguyên loại hình là phường hoặc xã tương ứng.
Dự thảo cũng đề xuất không bắt buộc sắp xếp đối với những đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Về tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh sau sắp xếp, dự thảo nêu rõ, tỉnh mới phải đáp ứng quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính.
Đối với các tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi sắp xếp phải cơ bản đạt các tiêu chuẩn về thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung quy định cụ thể về việc đặt tên cho các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Theo đó, tên đơn vị cấp tỉnh mới sẽ được chọn từ tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp, phù hợp với định hướng đã được phê duyệt.
Đối với cấp xã, tên gọi phải ngắn gọn, dễ nhớ, mang tính hệ thống, khoa học, phản ánh yếu tố lịch sử - văn hóa địa phương và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Ngoài ra, khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc gắn với tên đơn vị cấp huyện trước khi sắp xếp để thuận tiện cho việc số hóa và quản lý dữ liệu. Đồng thời, tên đơn vị cấp xã mới không được trùng với tên hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc trong phạm vi tỉnh mới hình thành theo định hướng.
So với dự thảo trước, bản mới lần này đã được tinh giản và trình bày rõ ràng hơn về các quy định đặt tên sau sắp xếp.
Sóc Trăng sắp xếp lại đơn vị hành chính, dự kiến giảm còn 43 xã, phường
Tỉnh trẻ nhất ĐBSCL sắp tinh gọn đơn vị hành chính, dự kiến còn 29 xã, phường