Bộ Tài chính ra chỉ dẫn quan trọng cho dự án 3,7 tỷ USD của Vietnam Airlines (HVN)
Với mục tiêu tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững, Vietnam Airlines (HVN) lên kế hoạch đầu tư đội bay thân hẹp mới, dự kiến nâng quy mô lên 112 chiếc vào năm 2035.
Theo báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3820/BTC gửi Vietnam Airlines (HoSE: HVN) nhằm hướng dẫn về trình tự, thủ tục và thẩm quyền chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của hãng hàng không này.
Trước đó, tại Công văn số 888/VPCP-CN ngày 6/2/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để hướng dẫn Vietnam Airlines về 2 nội dung liên quan đến dự án đầu tư nói trên.
![]() |
Vietnam Airlines lên kế hoạch mở rộng đội tàu bay (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, cần làm rõ trình tự, thủ tục và thẩm quyền triển khai Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; hay theo Nghị định số 101/2011/NĐ-CP về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay.
Thứ hai, trong trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cần hướng dẫn rõ ràng về trình tự, thủ tục, hồ sơ cũng như cơ quan có trách nhiệm thẩm định và tham mưu cho Thủ tướng xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu hoàn thành việc cho ý kiến đối với dự án này trước ngày 15/2/2025.
Trước đó, trong văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 11/2024, Vietnam Airlines nhấn mạnh rằng Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có vai trò chiến lược, giúp hãng đạt được mục tiêu và tầm nhìn trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững, với tư cách là Hãng hàng không quốc gia.
Theo kế hoạch, đội bay thân hẹp sẽ phục vụ các đường bay nội địa và quốc tế có dung lượng thấp, tập trung chủ yếu vào các tuyến bay dưới 5 giờ. Dự kiến đội tàu sẽ gồm các dòng máy bay tương đương A321 và A320.
Tổng mức đầu tư cho dự án, bao gồm 50 máy bay thân hẹp thuộc dòng A320NEO hoặc B737MAX cùng với 10 động cơ dự phòng, được ước tính khoảng 3,697 tỷ USD, tương đương 92.810 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến áp dụng phương án bán và thuê lại (Sale and Leaseback) với 25 chiếc đầu tiên được nhận trong giai đoạn 2028–2030. Đối với 25 chiếc còn lại (nhận trong giai đoạn 2030–2031), hãng sẽ sử dụng vốn chủ sở hữu kết hợp với vay vốn, trong đó tỷ lệ vay dự kiến là 50% giá trị mua tàu bay. Phương án tài chính này được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực dòng tiền cho Vietnam Airlines.
Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines là 31 tàu, cơ bản nằm trong giới hạn số tàu bay đã thuê mua; đội thân hẹp là 54 tàu; đội tàu bay ATR72 là 5 tàu.
Nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển mạng đường bay, thị phần và đảm bảo khả năng cạnh tranh của Vietnam Airlines, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 tàu; đội thân hẹp là 95 tàu; đội tàu bay ATR72 là 5 tàu.
Dự kiến đến năm 2035, tổng nhu cầu đội bay của Vietnam Airlines đạt 169 tàu, trong đó có 52 tàu thân rộng, 112 tàu thân hẹp và 5 tàu ATR72.
>> Vietnam Airlines và Vietjet Air được đầu tư 4 hangar cho sân bay lớn nhất Việt Nam