Bất động sản

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thẩm quyền về triển khai thi hành luật mới

Thanh Sơn 28/10/2024 17:00

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh hiện nay còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả việc triển khai thi hành luật, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.

Chiều ngày 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp diễn Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Theo như Chương trình làm việc, sau khi các địa biểu tiến hành thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023". Thành viên Chính phủ có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thẩm quyền về triển khai thi hành luật mới
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Cụ thể, báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với luật mới bao gồm: 10 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 thông tư của các Bộ.

Ngoài ra, các địa phương cũng đang nỗ lực để hoàn thành các quy định chi tiết theo thẩm quyền do luật giao (gồm 20 nội dung).

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh hiện nay có nhiều địa phương vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thẩm quyền về triển khai thi hành luật mới
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành để tiếp tục áp dụng đến hết 31/12/2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024: "Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương".

>> Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.

Mặc dù vậy, khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu như các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong Bảng giá đất hiện hành.

Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021-2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất trước khi điều chỉnh.

Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.

Nguyên nhân bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; Giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp bao gồm: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; Rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá.

Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; Tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

>> ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá

TP. HCM: Hơn 1.000 căn hộ tái định cư bị bán sai đối tượng

Hà Nội dự kiến giá dịch vụ nhà chung cư cao nhất 16.500 đồng/m2

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-truong-bo-tnmt-con-nhieu-dia-phuong-chua-ban-hanh-day-du-cac-van-ban-tham-quyen-ve-trien-khai-thi-hanh-luat-moi-256534.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng Bộ TN&MT: Còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thẩm quyền về triển khai thi hành luật mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH