Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Việt Nam cần huy động hơn 160 tỷ USD
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập ngày 21/2.
Ngày 21/2, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức cùng chuỗi sự kiện Hội nghị Tiểu ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) của IOSCO.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024 là một năm khó khăn chung cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý.
Năm 2024 đã khép lại, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt trên 476 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Công tác tài chính - ngân sách nhà nước ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tiếp tục được củng cố, đảm bảo.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TC) |
Bộ trưởng cũng cho biết, các thị trường tài chính, thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, được hoạt động an toàn, minh bạch hơn. Dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu, song thị TTCK Việt Nam năm qua duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, tạo tiền đề cho kế hoạch phát triển cho 5 năm tiếp theo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Do vậy, Chính phủ đã đặt quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 là tối thiểu 8%, tạo nền tảng cho tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các động lực như xuất khẩu, tiêu dùng thì huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi cho tăng trưởng của Việt Nam. Ước tính, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng (khoảng 160 tỷ USD).
Ngoài nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách Nhà nước, thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Để đạt được mục tiêu chung của nền kinh tế, Bộ trưởng đánh giá nhiệm vụ của ngành chứng khoán là rất lớn.
“Năm 2025, chúng ta vừa phải phát triển nhanh, thiết lập nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Kết quả trong thời gian tới không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt và hiệu quả trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán mà còn cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan đối tác trong khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế và sự đồng lòng chung sức của các thành viên thị trường.
>> Nâng hạng chứng khoán 2025: Cú hích huy động 160 tỷ USD cho thị trường vốn Việt Nam
Việt Nam chi khoảng 0,5% GDP cho R&D, so với các nước khác thế nào?
Quốc hội chốt nâng tăng trưởng GDP vượt 8% với nhiều giải pháp đột phá