Xã hội

Bộ Tư pháp: Đề xuất tạm ngừng xuất cảnh với người nợ tiền phạt hành chính

Linh Chi 16/04/2025 - 20:35

Bộ Tư pháp đề xuất nhiều thay đổi nhằm điều chỉnh các quy định hiện hành để khắc phục hạn chế, bất cập trong thi hành, phù hợp bối cảnh kinh tế xã hội và đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành pháp luật.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đề xuất nhiều thay đổi nhằm điều chỉnh các quy định hiện hành để khắc phục hạn chế, bất cập trong thi hành, phù hợp bối cảnh kinh tế xã hội và đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành pháp luật.

Theo nội dung dự thảo, Bộ Tư pháp kiến nghị bổ sung ba biện pháp cưỡng chế mới tại Điều 86, gồm:

- Tạm dừng xuất cảnh đối với cá nhân chưa thực hiện đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Thực hiện niêm phong trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ;

- Yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước đối với các công trình hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Bộ Tư pháp: Đề xuất tạm ngừng xuất cảnh với người nợ tiền phạt hành chính - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hiện tại, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chỉ có bốn biện pháp cưỡng chế được áp dụng, bao gồm:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Những biện pháp cưỡng chế hiện hành chỉ được áp dụng khi cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hoặc không hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bộ Tư pháp cho rằng nhiều quy định trong Luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, khiến quá trình thực thi gặp khó khăn. Vì vậy, việc đề xuất bổ sung thêm ba biện pháp cưỡng chế nêu trên được kỳ vọng sẽ tăng tính hiệu lực, hiệu quả thi hành, đồng thời nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập đến việc bãi bỏ 19 điều trong Luật hiện hành, trong đó có Điều 24 – quy định về mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực. Hiện tại, mức phạt tối đa đối với cá nhân dao động từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng, tùy theo tính chất vi phạm. Nếu dự thảo được thông qua sẽ không còn quy định mức trần phạt tiền cụ thể, thay vào đó, Chính phủ sẽ có thẩm quyền chủ động điều chỉnh mức phạt tùy theo tình hình thực tế.

Giải thích cho đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng các quy định hiện tại đã trở nên lỗi thời so với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, khi thu nhập bình quân, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm đều gia tăng. Việc bãi bỏ mức phạt tối đa sẽ tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt điều hành, đảm bảo khả năng phản ứng kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Thêm vào đó, để phù hợp với việc tinh giản bộ máy nhà nước và tổ chức lại hệ thống chính trị, Bộ Tư pháp còn đề xuất loại bỏ các điều khoản từ 38 đến 51 về thẩm quyền xử phạt. Thay vào đó, thẩm quyền này sẽ được quy định chung trong Điều 37, vừa được đề xuất bổ sung, nhằm đơn giản hóa hệ thống luật và giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý.

>>27 hành vi dù chỉ chuẩn bị phạm tội cũng có thể bị xử lý hình sự

Bộ Tư pháp phản hồi về vụ việc hủy giấy khai sinh của nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội

Bộ Tư pháp nói gì về việc rút đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/bo-tu-phap-de-xuat-tam-ngung-xuat-canh-voi-nguoi-no-tien-phat-hanh-chinh-140610.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Tư pháp: Đề xuất tạm ngừng xuất cảnh với người nợ tiền phạt hành chính
    POWERED BY ONECMS & INTECH