Bộ Xây dựng chỉ ra 4 nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá
Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Theo báo Tin Tức, giá căn hộ chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM đang tiếp tục tăng cao. Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ mới đã tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Đặc biệt, một số khu vực có mức tăng cục bộ đến 35-40% tùy từng vị trí. Hiện tượng tăng giá này có tính cục bộ, chỉ xảy ra ở một số khu vực, loại hình và phân khúc nhất định, ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung. Bộ Xây dựng đã phân tích và chỉ ra bốn nguyên nhân chính gây ra xu hướng này.
Đầu tiên, biến động giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh rằng giá bất động sản tăng một phần do chi phí đất đai biến động, đặc biệt với phương pháp tính và bảng giá đất mới. Tại một số khu vực, kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, tạo áp lực lên giá đất và giá nhà ở lân cận.
Đồng thời, việc quản lý đấu giá đất còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá để đẩy giá đất cao nhằm tạo giá ảo, sau đó "bỏ cọc" để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và tạo ra mức giá bất động sản không thực chất.
Thứ hai, tình trạng đầu cơ và "thổi giá" bất động sản.
Giới đầu cơ và một số cá nhân môi giới bất động sản lợi dụng tâm lý đám đông để thổi giá, tạo ra giá ảo. Phần lớn trong số này là các môi giới tự do, thiếu chuyên môn và chứng chỉ hành nghề, khiến thị trường thiếu minh bạch, gây thiệt hại cho người mua nhà và làm mất lòng tin vào thị trường bất động sản.
>> 3 phân đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành lộ thời hạn hoàn thành
Ảnh minh hoạ |
Thứ ba, nguồn cung bất động sản hạn chế.
Nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân, đặc biệt tại các đô thị như Hà Nội và TP. HCM
Các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý, như xác định giá đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ. Dù Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã giải quyết phần nào vướng mắc, quá trình áp dụng các quy định mới vào thực tế vẫn cần thời gian.
Cuối cùng, ảnh hưởng từ biến động kinh tế.
Tình hình kinh tế thời gian qua, đặc biệt là biến động trên các thị trường chứng khoán, vàng và trái phiếu, đã khiến dòng tiền của nhiều nhà đầu tư chuyển sang bất động sản như một kênh "trú ẩn" an toàn. Xu hướng này càng thúc đẩy nhu cầu mua nhà và đất, góp phần đẩy giá bất động sản lên cao hơn.
Trước tình trạng này, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, cơ quan chức năng cần tích cực nâng cao và đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính có thẩm quyền liên quan đến dự án bất động sản.
Trong số đó, đặc biệt chú trọng đến các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư; bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất; thủ tục đầu tư xây dựng… nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
>> TP lớn thứ 3 Việt Nam chuẩn bị tung hàng nghìn căn hộ giá rẻ ra thị trường
Giá chung cư tăng nóng, nhiều dự án ở TP Vinh muốn 'bung hàng' sớm
Giá chung cư quận Nam Từ Liêm ra sao giữa bối cảnh chung cư Hà Nội tăng 'nóng'?