Bơm tiền vào trái phiếu, một ngân hàng Mỹ chịu lỗ 100 tỷ USD

30-06-2023 10:21|Minh Vũ

Đầu tư vào thời điểm trái phiếu được giao dịch ở mức giá cao trong lịch sử và lợi suất thấp, một ngân hàng Mỹ đang phải chịu khoản lỗ lên tới 100 tỷ USD.

Theo Financial Times, Bank of America (BofA), ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ tính theo tài sản đang phải trả giá cho quyết định bơm phần lớn số tiền gửi 670 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch vào thị trường nợ, vào thời điểm trái phiếu được giao dịch ở mức giá cao trong lịch sử và lợi suất thấp.

Theo dữ liệu từ Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), việc đưa tiền gửi vào đầu tư trái phiếu đã khiến Bank of America (BofA) thua lỗ trên giấy tờ hơn 100 tỷ USD vào cuối quý 1/2023.

Trong khi đó, JPMorgan Chase và Wells Fargo, lần lượt là ngân hàng lớn thứ nhất và lớn thứ ba của Mỹ, mỗi ngân hàng cũng đang phải gánh khoản lỗ khoảng 40 tỷ USD trên thị trường trái phiếu, còn khoản lỗ trên giấy tờ của Citigroup là 25 tỷ USD.

Có thể thấy, khoản lỗ của BofA vượt xa các công ty lớn khác ghi nhận trên thị trường trái phiếu. Điều này xảy ra do BofA bỏ nhiều tiền hơn vào trái phiếu, trong khi những ngân hàng khác đầu tư nhiều hơn vào tiền mặt. Hiện tại, lợi suất đã tăng và giá trái phiếu đã giảm, giá trị danh mục đầu tư của BofA chắc chắn đã giảm xuống đáng kể.

Đặt cược vào thị trường trái phiếu, một ngân hàng Mỹ lỗ 100 tỷ USD
Ngân hàng America Bank.

Dữ liệu của FDIC cho thấy, khoản lỗ tại BofA chiếm 1/5 trong tổng số 515 tỷ USD lỗ chưa thực hiện trong danh mục đầu tư chứng khoán của gần 4.600 ngân hàng trên toàn quốc vào cuối quý đầu tiên. Danh mục đầu tư của ngân hàng này bao gồm các khoản nợ được chính phủ hậu thuẫn và được đánh giá cao, có khả năng cuối cùng sẽ được hoàn trả khi các khoản vay cơ bản đáo hạn.

Tuy nhiên, việc nắm giữ các khoản đầu tư có năng suất tương đối thấp, nhiều khoản trong số đó được hỗ trợ bởi các khoản vay mua nhà trong 30 năm, tại thời điểm trái phiếu mới mua mang lại lợi suất cao hơn đáng kể, có thể hạn chế thu nhập mà BofA có thể tạo ra từ tiền gửi của khách hàng.

Jason Goldberg, một nhà phân tích ngân hàng tại Barclays, về danh mục đầu tư trái phiếu của BofA cho biết: “Khi lãi suất thấp, họ kiếm được nhiều tiền hơn các đối thủ. Nhưng sự tình biến chuyển đến ngày hôm nay và họ đang kiếm được ít hơn".

Theo dữ liệu của FDIC, từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2022, tổng giá trị chứng khoán, chủ yếu là Trái phiếu kho bạc và trái phiếu thế chấp được bảo hiểm, tại tất cả các ngân hàng đã tăng 54%, tương đương giá trị 2.000 tỷ USD.

Nhiều năm lãi suất thấp, quy định gia tăng và tăng trưởng kinh tế ảm đạm đã thúc đẩy các ngân hàng thuộc mọi quy mô gửi thêm tiền gửi vào trái phiếu và các chứng khoán khác hoặc tăng cường cho vay bằng cách theo đuổi những người đi vay kém uy tín hơn.

Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng vừa tăng cường nắm giữ chứng khoán vừa cho các công ty startup đang thua lỗ cho vay, là biểu tượng cho thấy chiến lược này đã phản tác dụng như thế nào. Ngân hàng này đã phá sản vào tháng 3 do khoản lỗ 1,8 tỷ USD khi bán một phần danh mục đầu tư chứng khoán của mình.

NHNN: Nâng tầm tài chính vi mô để thúc đẩy tài chính toàn diện

Vụ Vạn Thịnh Phát: Kê biên 39 BĐS và tài khoản ngân hàng nghìn tỷ của 'đại gia' Dương Tấn Trước

Lãi suất ngân hàng hôm nay 17/5/2024: Một nhà băng tăng mạnh lãi suất huy động

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dat-cuoc-vao-thi-truong-trai-phieu-mot-ngan-hang-my-lo-100-ty-usd-190051.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bơm tiền vào trái phiếu, một ngân hàng Mỹ chịu lỗ 100 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH