Bông Bạch Tuyết (BBT): Doanh nghiệp bán băng vệ sinh, bông y tế lập kỳ tích hai lần tái xuất sàn chứng khoán
Hơn 6 thập kỷ đồng hành cùng nền kinh tế, kinh qua những giai đoạn “chết hụt” rồi “tái sinh”, Bông Bạch Tuyết (BBT) cho thấy sức mạnh phi thường và là điển hình của doanh nghiệp Việt Nam.
Bông Bạch Tuyết - doanh nghiệp "già" lên sàn trước cả Hòa Phát, Vinamilk, Sacombank, Tân Tạo
Sau nhịp tăng mạnh, kết phiên 2/10/2024, cổ phiếu BBT lần đầu trở lại mốc 10.000 đồng sau tròn 7 tháng. Diễn biến này không được thị trường chú ý bởi cái tên BBT vẫn khá xa lạ với nhà đầu tư. Nói cách khác, với chỉ 9,8 triệu cổ phiếu lưu hành trên sàn, BBT gần như nằm ngoài danh mục của đa số nhà đầu tư.
Một sản phẩm của Bông Bạch Tuyết |
Không nhiều người nhận ra BBT là mã cổ phiếu của CTCP Bông Bạch Tuyết - doanh nghiệp từng chiếm trên 90% thị phần bông y tế tại Việt Nam, từng có thời điểm được gọi là “trùm” ngay trên sân chơi chính của họ.
Trong loạt bài viết này, người viết sẽ cung cấp thông tin tới Quý độc giả và nhà đầu tư về những câu chuyện thú vị liên quan đến doanh nghiệp này. Câu chuyện kinh doanh của CTCP Bông Bạch Tuyết chứa đựng nhiều thăng trầm và dấu ấn đáng chú ý trong quá trình phát triển, trải nghiệm mà không phải doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán cũng có.
Trước hết, hãy nói về lịch sử của Bông Bạch Tuyết - một doanh nghiệp “già” với lịch sử gần 65 năm. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đời đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam, niêm yết cổ phiếu sớm hơn cả loạt tên tuổi như Hòa Phát, Vinamilk, Sacombank, Tân Tạo.
Bông Bạch Tuyết, tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập năm 1960. Ban đầu, đây là một nhà máy tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Sau sự kiện 30/4/1975, nhà máy được quốc hữu hóa theo quyết định của Ủy ban Nhân dân TP. HCM và trực thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Dệt Hồng Gấm.
Năm 1979, nhà máy đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết.
Sau nhiều năm hoạt động và đóng góp cho nền kinh tế, xí nghiệp nhận được nhiều ghi nhận lớn như: Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1988, Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 1992.
Đến năm 1992, theo Nghị định 388, xí nghiệp được chuyển đổi thành Công ty Bông Bạch Tuyết và tiếp tục phát triển. Năm 1997, mô hình công ty cổ phần được xác lập và doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu 11,4 tỷ đồng, với Nhà nước nắm giữ 30% vốn.
Dấu ấn: 2009 bị hủy niêm yết, 9 năm sau cổ phiếu mới về UPCoM
Năm 2003, Bông Bạch Tuyết tăng vốn điều lệ lên 68,4 tỷ đồng thông qua nguồn vốn tích lũy sau khi cân đối lại các quỹ. Đến ngày 15/3/2004, 6,84 triệu cổ phiếu BBT chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Thời điểm này, những Hòa Phát, Vinamilk, Sacombank, Vingroup vẫn chưa góp mặt trên sàn.
Hình minh họa |
>> 16 năm sau ngày VN-Index vượt 1.000 điểm, FPT không còn giá 645.000 đồng, ITA đã thành "hàng chợ"
Đến nay, bước sang năm thứ 25 của thị trường chứng khoán Việt Nam, BBT là gương mặt duy nhất ghi nhận dấu ấn: Niêm yết, rời sàn rồi tái xuất thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, công ty đã gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008, bị buộc hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào tháng 8/2009.
Thời điểm hơn 6,8 triệu cổ phiếu BBT nhận án hủy niêm yết, Sàn giao dịch UPCoM cũng mới được đưa vào hoạt động từ tháng 6 cùng năm. Tuy nhiên, thay vì chọn về UPCoM, Ban lãnh đạo Bông Bạch Tuyết đã chọn giải pháp rời thị trường chứng khoán và bước vào quá trình tái cấu trúc.
Sau 9 năm hủy niêm yết, 6,84 triệu cổ phiếu BBT ra mắt thị trường chứng khoán lần thứ hai trên sàn UPCoM vào ngày 12/6/2018, cùng giá tham chiếu 2.300 đồng/cp. Lúc này, giá cổ phiếu đã giảm 90% so với giá trong lần ra mắt đầu tiên. Thậm chí so với mức kỷ lục 29.200 đồng (phiên 13/3/2007), cổ phiếu Bông Bạch Tuyết đã giảm tới 92%.
Bông Bạch Tuyết từng là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất bông y tế và sản phẩm vệ sinh tại Việt Nam, với hệ thống sản xuất hiện đại, chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng ra quốc tế. Tuy nhiên, vào cuối những năm 2000, công ty rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, mất quyền kiểm soát và bị hủy niêm yết cổ phiếu trong cơn bĩ cực nợ nần.
Dù gặp nhiều khó khăn, Bông Bạch Tuyết đã tái cấu trúc thành công và trở lại thị trường, tập trung vào sản phẩm cốt lõi, cải tiến công nghệ sản xuất. Hơn 6 thập kỷ đồng hành cùng nền kinh tế, kinh qua những giai đoạn “chết hụt” rồi “tái sinh”, Bông Bạch Tuyết cho thấy sức mạnh phi thường và là điển hình của doanh nghiệp Việt Nam.
Đón xem bài viết tiếp theo với chủ đề: Bông Bạch Tuyết - biến cố từ cuộc chiến với Diana, Kotex