Bông Bạch Tuyết (BBT): Từ thời kỳ hoàng kim đến 10 năm 'kéo cày trả nợ' sau thất bại trước Kotex và Diana
Vụt sáng trong 5 năm giai đoạn chuyển giao giữa thế kỷ 20 và 21, Bông Bạch Tuyết (BBT) nhanh chóng rơi vào khủng hoảng kéo dài hơn một thập kỷ. Sự xuất hiện và sức ép từ các đối thủ lớn như Diana và Kotex đã đẩy doanh nghiệp 65 năm tuổi này vào tình thế lao đao.
Tiếp nối bài viết "Bông Bạch Tuyết (BBT): Doanh nghiệp bán băng vệ sinh, bông y tế lập kỳ tích hai lần tái xuất sàn chứng khoán", trong bài viết này, người viết gửi đến Quý độc giả và nhà đầu tư câu chuyện từ lần "chết hụt" của doanh nghiệp sản xuất bông y tế, băng vệ sinh từng vang bóng một thời.
Một sản phẩm của Bông Bạch Tuyết |
Dưới đây là các cột mốc chính trong lịch sử phát triển của CTCP Bông Bạch Tuyết:
- Năm 1960: Nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được thành lập, chuyên sản xuất bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ;
- Năm 1978: Nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được Nhà nước quốc hữu hóa, trở thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân TP. HCM;
- Năm 1992: Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết, sau khi đăng ký thành doanh nghiệp Nhà nước;
- Năm 1997: Bông Bạch Tuyết được chuyển đổi thành CTCP Bông Bạch Tuyết, lúc này Nhà nước còn nắm 30% vốn;
- Năm 2004: Cổ phiếu BBT chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với 6,84 triệu cổ phiếu;
- Giai đoạn 2007-2009: Công ty gặp khủng hoảng tài chính, phải ngừng sản xuất và bị hủy niêm yết trên HoSE vào tháng 8/2009;
- Giaia đoạn 2009-2012: Công ty tái cấu trúc và dần khôi phục hoạt động sản xuất sau khủng hoảng;
- Năm 2018: Bông Bạch Tuyết chính thức quay trở lại thị trường chứng khoán trên sàn UPCoM, đánh dấu sự hồi phục sau thời gian khủng hoảng. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong lịch sử 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam từng rời sàn rồi quay trở lại.
>> 16 năm sau ngày VN-Index vượt 1.000 điểm, FPT không còn giá 645.000 đồng, ITA đã thành "hàng chợ"
Biến cố từ những năm đầu hội nhập
Ít ai biết, với quy mô vốn điều lệ chưa đầy 70 tỷ đồng, Bông Bạch Tuyết từng là "trùm" sản xuất bông y tế và băng vệ sinh chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam cách đây hai thập kỷ. Thời hoàng kim của doanh nghiệp này kéo dài từ năm 1997 đến 2002 khi sản phẩm bông y tế chiếm 90% thị phần cả nước, trong khi thị phần băng vệ sinh đạt 30%.
Năm 2000, công ty từng đầu tư trăm tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất hiện đại với kỳ vọng sau 5 năm có thể hoàn vốn. Tuy nhiên, chính dự án này đã nhen nhóm những khó khăn đầu tiên, đẩy Bông Bạch Tuyết vào "chân tường". Sản phẩm không còn đủ sức cạnh tranh với các hãng nhập ngoại khiến tồn kho gia tăng (năm 2005, quá nửa số tài sản ngắn hạn của công ty là hàng tồn). Đỉnh điểm của cơn bĩ cực kinh doanh chính là khoản lỗ 6,8 tỷ đồng năm 2007, kéo dài đến hết năm 2013. Thậm chí, Bông Bạch Tuyết từng phải ngừng sản xuất từ năm 2007 đến tháng 8/2009 trong nỗ lực tái cơ cấu để trở lại.
Từ vị thế doanh nghiệp "bé hạt tiêu" về quy mô nhưng dẫn đầu thị trường về sản xuất, phân phối các mặt hàng bông băng, thị phần bông y tế của BBT giảm mạnh còn 60% trong khi thị phần băng vệ sinh giảm 10 lần còn 3-4%.
Lý giải cho thực trạng này, Bông Bạch Tuyết cho rằng đó là hoạt động đầu tư sai hướng khi đã chi nhiều tiền để gia tăng năng lực sản xuất trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Công ty cũng chọn hướng đi ra ngoài sản phẩm cốt lõi dẫn đến sai lầm.
Năng lực sản xuất băng vệ sinh thời điểm đó vào khoảng 2 triệu gói/tháng, gấp 10 lần năng lực bán hàng. Trong khi xu hướng tiêu dùng lúc đó đã chuyển sang băng vệ sinh mỏng, mềm thì các sản phẩm mới của Bông Bạch Tuyết lại dày, cứng nên không còn được ưa chuộng. Hàng chất đầy kho, không bán được khiến Bông Bạch Tuyết không còn vốn lưu động và phải phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của ngân hàng.
Tiệc tan khách sộp ra về, thất bại trong cuộc đua với Diana, Kotex
Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, công ty lại đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm băng vệ sinh. Kết quả là chi phí tăng rất cao nhưng hàng bán vẫn không được, đã đẩy Bông Bạch Tuyết vào con đường thua lỗ kéo dài, thậm chí dừng hoạt động vào tháng 7/2008. Vào năm 2008, báo cáo tài chính 2006 của Bông Bạch Tuyết bỗng nhiên được điều chỉnh từ lãi thành lỗ. Lúc này, cổ đông ngỡ ngàng khi kết quả thanh tra phát hiện công ty thực ra đã thua lỗ liên tục ngay từ năm 2004.
Kết quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết giai đoạn 2004-2007 |
Công ty bị thiếu vốn lưu động trầm trọng, không còn tài sản thế chấp để vay vốn. Năm 2007, tổng nợ phải trả của Bông Bạch Tuyết là hơn 47 tỷ đồng trong khi tài sản ngắn hạn chỉ gần 25 tỷ, nợ phải thu khó đòi là gần 2 tỷ.
Tháng 8/2009, cổ phiếu BBT bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc. Một tháng sau đó, công ty mới bắt đầu hoạt động trở lại trong tình trạng tài chính kiệt quệ, nhà xưởng và máy móc thiết bị xuống cấp, nhiều lao động bỏ việc; thị phần bị các đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh còn khách hàng lớn cũng rời đi.
Vụt sáng trong 5 năm (giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ) song Bông Bạch Tuyết ngay lập tức phải chịu đòn hơn một thập kỷ sau đó. Sự xuất hiện và áp lực cạnh tranh với các đối thủ như Diana, Kotex khiến doanh nghiệp có tuổi đời 65 năm này lao đao.
Ra đời trong điều kiện chiến tranh, tồn tại cùng với sự vận động của nền kinh tế và vẫn hiện diện trên sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết là điển hình của doanh nghiệp Việt Nam đứng dậy từ thất bại. Sau một thập kỷ khó khăn, 10 năm gần nhất đem đến cho công ty nhiều thành quả tích cực. Dấu ấn lớn nhất đối với doanh nghiệp sản xuất này chính là việc thích nghi với môi trường kinh doanh mới. Mới đây, Bông Bạch Tuyết vừa được Tiktok Shop 'vinh danh'.
Đón xem bài viết tiếp theo với chủ đề: Bông Bạch Tuyết - 'bà già' chơi Tiktok