Xuống tận đáy biển, bay vào vũ trụ hay thám hiểm những nơi tận cùng của trái đất đang ngày một trở nên phổ biến trong giới siêu giàu ưa mạo hiểm
Có rất nhiều những người thích du lịch luôn luôn đẩy lùi các giới hạn để theo đuổi sự phấn khích. Họ quá quen với những gì được coi là du lịch thông thường, nên bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo hơn, nhiều trải nghiệm trong số này có độ rủi ro cao.
Muôn kiểu du lịch mạo hiểm
Khách hàng của những tour du lịch này sẵn sàng ngồi trong lồng xem cá mập trắng khổng lồ dưới biển, ngoài khơi Mexico hay đi xem núi lửa hoạt động ở New Zealand để rồi mất tích không tìm được thi hài.
Theo các chuyên gia về du lịch, những cuộc phiêu lưu đầy kích thích nhưng không kém phần nguy hiểm này đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của giới siêu giàu - những người muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ.
Đi cùng với sự nguy hiểm thì cái giá phải trả cho những tour du lịch này không hề rẻ. Vé cho một chuyến du hành dưới quỹ đạo của công ty Virgin Galactic có giá khởi điểm là 450 nghìn USD, tương đương hơn 10 tỷ VNĐ. Còn công ty SpaceX thì đẩy rủi ro lên cao với chuyến bay du lịch vào vũ trụ mà chỉ có toàn hành khách dân sự, không hề có một phi hành gia được đào tạo nào có mặt trên tàu. Còn để được một chỗ ngồi trong chuyến hành trình kéo dài 8 ngày tới vị trí xác tàu Titanic dưới đáy biển, mỗi hành khách con tàu Titan mất tích cũng đã phải trả 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ VNĐ).
Với những tour du lịch mang độ rủi ro cao, những hành khách này không chỉ phải trả giá bằng một số tiền rất lớn và nhiều trường hợp còn phải bỏ lại mạng sống.
Một cái giá quá đắt
Đơn cử như vừa mới đây, lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ ngày 22/6 cho biết tàu lặn Titan chở theo 5 người thám hiểm xác tàu Titanic đã được tìm thấy trong một “vụ nổ thảm khốc” khiến tất cả mọi người trên tàu đều thiệt mạng. Cuộc tham quan xác tàu Titanic đã trở thành chiến dịch tìm kiếm tàu lặn du lịch mất tích. Một chiến dịch giải cứu sâu nhất trong lòng đại dương - chưa từng có trong lịch sử đã được tiến hành.
Cụ thể, tàu lặn Titan chở 5 người mất tích ở Đại Tây Dương khi thám hiểm xác tàu Titanic hôm 18/6. Sau 5 ngày tìm kiếm, Chuẩn Đô đốc Tuần duyên Mỹ John Mauger thông báo, toàn bộ 5 hành khách đã tử vong trong một vụ nổ thảm khốc của tàu lặn. Lực lượng cứu hộ tìm thấy các mảnh vỡ được cho là của tàu Titan ở cách xác Titanic khoảng 500m, tại độ sâu gần 4.000m. Những mảnh vỡ cho thấy một vụ nổ thảm khốc đã xảy ra ở buồng áp suất, Chuẩn Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ cho hay.
Được biết, đây là con tàu du lịch mạo hiểm chuyên dành cho những khách hàng giàu có - một loại mô hình du lịch cao cấp nhưng rủi ro - ngày càng thịnh hành. Trong đoàn du lịch lần này có tỷ phú người Anh Hamish Harding và cả Stockton Rush - Giám đốc điều hành và là người sáng lập của OceanGate - công ty tổ chức chuyến tham quan xác tàu Tinanic.
Điều được quan tâm không kém là việc các hành khách tỉ phú, tài phiệt và chuyên gia trên tàu đã sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cũng như mạo hiểm tính mạng để tham gia chuyến đi. Theo Công ty Ocean Gate tổ chức chương trình, mỗi khách phải trả đến 250.000 USD cho chuyến tham quan xác tàu Titanic.
Dù thu số tiền lớn như đã nêu nhưng Ocean Gate cho biết tàu Titan chưa từng được kiểm định bởi các tổ chức uy tín vì các công nghệ trên tàu quá tân tiến nên quá trình có thể kéo dài.
Từ năm 2018, hàng loạt chuyên gia cảnh báo về độ an toàn của tàu lặn này, bao gồm việc bộ phận tàu cho phép hành khách nhìn ra bên ngoài chỉ đạt tiêu chuẩn hoạt động ở độ sâu 1.300m, trong khi xác tàu Titanic nằm ở độ sâu gần 4km. Một phóng viên từng tham gia chuyến đi vào năm ngoái kể lại hành khách phải ký vào xác nhận có thể bị chấn thương hoặc thậm chí thiệt mạng trong chuyến đi.
Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng “du lịch đen”, đề cập đến việc đến thăm những nơi diễn ra một số sự kiện đen tối nhất trong lịch sử loài người, bao gồm diệt chủng, ám sát, giam giữ, thanh lọc sắc tộc, chiến tranh hoặc thảm họa.