Sự phổ biến của đồ uống ít cồn và không cồn đã tăng trên toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản, do đại dịch COVID-19 khiến nhiều người có ý thức hơn về sức khỏe.
Thị trường nước giải khát mang tính cạnh tranh ngày càng cao hơn với sự tăng trưởng đáng kể đến từ nhóm đồ uống không cồn và ít cồn. Nhiều người tiêu dùng không còn muốn sử dụng các sản phẩm bia, rượu vì lo ngại cho sức khỏe nhưng vẫn có không ít người cảm thấy khó khăn khi phải từ bỏ các loại thức uống từ cồn yêu thích.
Trong bối cảnh đó, các công ty chuyên về đồ uống đã nhanh chóng tung ra những dòng sản phẩm thay thế đảm bảo đủ các yêu cầu về hương vị như phiên bản có cồn. Do đó, phân khúc này được dự đoán sẽ trở thành một ngách thị trường tiềm năng và đầy tính hứa hẹn trong tương lai.
Nhu cầu sử dụng đồ uống ít cồn và không cồn ngày càng nhiều
Đồ uống không cồn đã xuất hiện một vài năm trở lại đây và dần chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng. Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, người tiêu dùng dần chuyển sang tìm kiếm các lựa chọn thay thế tốt hơn cho sức khỏe, khiến đồ uống không cồn trở thành giải pháp lý tưởng.
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ tìm kiếm đồ uống không cồn vì lý do sức khỏe và lối sống lành mạnh, mà còn bởi loại đồ uống này mang trong mình quá nhiều ưu điểm vượt trội.
Bên cạnh đó, các sản phẩm đồ uống không cồn cũng ngày một đa dạng hơn. Các công ty lớn như Heineken, Diageo hay Anheuser-Busch InBev đã dần đổ tiền đầu tư vào những hạng mục sản xuất thức uống 0.0% độ cồn. Thậm chí, AB InBev còn cam kết sẽ giảm số lượng đồ uống có cồn của mình xuống còn 20% vào năm 2025.
Đây là một ngách thị trường tốt để các doanh nghiệp F&B nhảy vào và kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, để tạo được tính độc đáo và bền vững trong ngành hàng này, các doanh nghiệp phải giải quyết được bài toán về trải nghiệm khách hàng.
Các sản phẩm định hình thị trường đồ uống ít cồn & không cồn
Bia không cồn
Quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bia không cồn hoặc ít cồn được xem là một thành công lớn làm thay đổi thị trường đồ uống toàn cầu.
Nhờ việc tạo ra các sản phẩm có hương vị gần như giống hệt bia rượu truyền thống và ảnh hưởng của các chiến dịch truyền thông mà doanh thu các sản phẩm bia không cồn đã tăng nhanh đáng kể.
Theo IWSR, cùng với cider thì bia không cồn/ít cồn hiện đang chiếm đến 92% thị phần nhóm các sản phẩm không/chứa ít cồn.
Ngoài ra, phân khúc bia không cồn còn được xem là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu và cho ra mắt các dòng bia với độ cồn thấp, ít calo và giá thành cạnh tranh.
Đồ uống tốt cho sức khoẻ
Xu hướng sử dụng các loại nước giải khát tốt cho sức khỏe đang ngày càng lan rộng. Nhiều công ty F&B đã cho ra mắt những dòng sản phẩm được mô tả là thuần chay, không chứa đường, gluten, chất bảo quản và tốt cho sức khỏe.
Có thể kể đến sản phẩm thức uống WHISP với 2 lựa chọn hương vị hoặc FUNGTN được giới thiệu là thức uống từ nấm dược liệu với độ cồn thấp.
Rượu mạnh không cồn
Mặc dù các tên tuổi lớn như Seedlip đã sớm dẫn đầu ở phân khúc rượu chưng cất không cồn nhưng năm qua vẫn chứng kiến nhiều nhà sản xuất rượu truyền thống tham gia vào cuộc đua này. Nhờ vào kinh nghiệm sản xuất lâu năm mà các doanh nghiệp rượu truyền thống hoàn toàn không hề thua kém so với nhóm dẫn đầu.
Tiêu biểu là dòng rượu Gin không cồn của Gordon được chưng cất từ một công thức đặc biệt có sử dụng loại thực vật đã tạo ra London Dry Gin danh tiếng. Ngoài ra, Warner cũng tung ra nhóm sản phẩm Botanic Garden Spirits có nguồn gốc thực vật, độ cồn thấp và hương vị đa dạng.
Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ở phân khúc rượu mạnh không cồn được cho là sẽ giúp đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của nhóm sản phẩm này trong danh mục các đồ uống không/ít cồn.
Doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sang sản xuất đồ uống không cồn
Sự phổ biến của đồ uống ít cồn và không cồn đã tăng trên toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản, do đại dịch COVID-19 khiến nhiều người có ý thức hơn về sức khỏe.
Theo công ty nghiên cứu rượu quốc tế IWSR, giá trị thị trường toàn cầu của phân khúc đồ uống ít cồn và không cồn đã tăng lên gần 10 tỷ USD vào năm 2021, từ 7,8 tỷ USD vào năm 2018.
Các nhà sản xuất đồ uống lớn của Nhật Bản cũng đang hướng ra thị trường quốc tế để tăng doanh thu. Người đứng đầu tập đoàn bia Nhật Bản Asahi Group Holdings nói với Reuters rằng ông coi Bắc Mỹ là thị trường trọng điểm. Tập đoàn Suntory Holdings cũng đang tìm cách mở rộng kinh doanh cocktail đóng hộp ở đó.
Ở trong nước, các doanh nghiệp rượu Nhật Bản đang đưa ra những phương cách mới để cải thiện trải nghiệm quán bar cho những người không uống rượu.
Xem thêm: Nhật Bản ứng phó thế nào với kỷ nguyên đồng yên mất giá?