Các nhà khoa học tại Đại học Harvard chỉ ra cách uống cà phê tốt nhất để tránh căn bệnh khoảng 7 triệu người Việt Nam mắc phải
Trước khi đưa ra kết luận chính thức, các nhà khoa học từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan đã phân tích dữ liệu từ gần 290.000 người tham gia.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y sinh American Journal of Clinical Nutrition đã xác định cách uống cà phê tối ưu để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các nhà khoa học từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan đã phân tích dữ liệu từ gần 290.000 người tham gia. Lượng cà phê tiêu thụ được ghi nhận thông qua bảng câu hỏi về chế độ ăn uống, được cập nhật 4 năm một lần. Đồng thời, tình trạng sức khỏe của những người tham gia, bao gồm cả việc họ có mắc bệnh tiểu đường hay không, cũng được báo cáo định kỳ 2 năm một lần.

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tác động của các chất phụ gia như đường, sữa, chất tạo ngọt nhân tạo và chất làm trắng không từ sữa đối với khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của cà phê. Kết quả cho thấy, khoảng 60% số người tham gia thêm các chất phụ gia vào cà phê hằng ngày, trong đó 42% sử dụng đường.
Trong suốt 34 năm theo dõi, có 13.281 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Các phân tích chỉ ra rằng mỗi tách cà phê không đường hoặc pha với sữa không đường hằng ngày giúp giảm 10% nguy cơ mắc bệnh, theo Daily Mail. Tuy nhiên, nếu thêm một muỗng cà phê đường, lợi ích này giảm xuống chỉ còn 5%.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đường bổ sung có thể đạt đến "ngưỡng quan trọng", làm ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Họ không xem xét những trường hợp thêm từ 3 muỗng cà phê đường trở lên, vì nghiên cứu tập trung vào mức tiêu thụ "vừa phải" các chất phụ gia trong cà phê.
Ngoài ra, việc thêm chất tạo ngọt nhân tạo cũng làm giảm tác dụng của cà phê trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Khi sử dụng các chất này, mỗi tách cà phê chỉ giúp giảm 7% nguy cơ mắc bệnh, thay vì 10% như cà phê không đường.
Tiến sĩ Matthias Henn, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết uống cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng việc thêm đường hoặc chất tạo ngọt sẽ làm suy giảm đáng kể lợi ích này. Ông nhấn mạnh rằng sự khác biệt trong cách uống cà phê cung cấp những hiểu biết quan trọng về tác động của cà phê đối với sức khỏe.
Theo Daily Mail, tiến sĩ Henn khuyến nghị: "Để tối đa hóa lợi ích của cà phê đối với sức khỏe, hãy cân nhắc không thêm đường hoặc chất tạo ngọt nhân tạo vào cà phê".

Trước đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người uống cà phê có xu hướng tăng cân ít hơn theo thời gian, điều này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, caffeine và các dưỡng chất thực vật trong cà phê có thể giúp giảm viêm – một yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc bổ sung đường có thể làm tăng nguy cơ tăng cân, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường (tiểu đường) tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng lo ngại, tỷ lệ biến chứng lên tới 55% do nhiều bệnh nhân chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát bệnh.
Hiện nay, khoảng 7 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường, trong đó có đến 55% gặp biến chứng, chủ yếu liên quan đến tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Nguyên nhân chính là do phần lớn người bệnh chưa có đầy đủ kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe, chưa tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, cũng như chưa duy trì chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
>> Những loại đồ uống ‘vàng’ dành cho người bệnh đái tháo đường, dễ tìm, dễ pha chế
Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, bác sĩ tiết lộ dấu hiệu ‘3 tăng 1 giảm’
Nghiên cứu kết luận món ăn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đến 21%