Calvin Klein và Tommy Hilfiger bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen
Công ty mẹ PVH bị đưa vào danh sách đen sau khi bị vướng vào các lệnh trừng phạt thương mại "ăn miếng trả miếng".
Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa PVH vào Danh sách thực thể không đáng tin cậy (UEL), cùng với Công ty công nghệ sinh học Mỹ Illumina. UEL là danh sách đen tương tự như danh sách thực thể của Hoa Kỳ, hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ và khả năng kinh doanh của các công ty nước ngoài với các công ty Hoa Kỳ.
Đây là một trong số biện pháp mà nước này thực hiện để đáp trả mức thuế 10% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng, việc bị đưa vào danh sách nêu trên có thể khiến PVH bị phạt (phạt tiền hoặc hình thức khác), thậm chí thương hiệu không còn được kinh doanh ở thị trường Trung Quốc.
Xu Tianchen, một nhà kinh tế cấp cao người Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit, cho biết: "Trung Quốc hoàn toàn phản ứng và sẽ thu hồi các biện pháp này nếu ông Trump hủy bỏ thuế quan liên quan đến fentanyl".
Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã thông báo điều tra PVH do vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường khi tẩy chay bông Tân Cương. Hoạt động sản xuất bông tại khu vực này đã trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu kể từ năm 2020 khi một số thương hiệu quần áo của Mỹ và châu Âu, bao gồm Adidas, Nike và H&M, tạo nên mối lo ngại về cáo buộc bóc lột lao động trong ngành.
Bộ Thương mại cho biết PVH và Illumina đã “vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường bằng cách đơn phương cắt đứt các giao dịch kinh doanh thông thường với các công ty Trung Quốc và áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử, gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Thông báo không nêu chi tiết các biện pháp sẽ được áp dụng đối với hai công ty. Các hình phạt có thể bao gồm tiền phạt, hạn chế đi lại của nhân viên và đình chỉ xuất khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nhân viên thu ngân tại cửa hàng Tommy Hilfiger cho biết cô chưa nghe nói về "danh sách đen" và tất cả các cửa hàng ở Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường.
Calvin Klein và Tommy Hilfiger có mặt tại các thành phố lớn của Trung Quốc, và việc công ty mẹ của họ bị đưa vào danh sách đen dường như vẫn chưa gây ra phản ứng dữ dội nào đối với các thương hiệu quần áo Mỹ này trong số người tiêu dùng nước này.
Ông Xu cho biết UEL không nói rõ liệu các công ty con của các thực thể nước ngoài nằm trong danh sách đen có phải đối mặt với lệnh trừng phạt hay không, nhưng khả năng rất cao là sẽ phải đối mặt.
“Ngay cả khi CK và Tommy Hilfiger không bị trừng phạt trực tiếp, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn có thể chủ động cắt đứt quan hệ với họ”, ông nói. “Điều này tương tự như cách nhiều công ty phương Tây tự nguyện rời khỏi thị trường Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, vì các doanh nghiệp thường 'tuân thủ quá mức' để giảm thiểu rủi ro”.
Theo SCMP
>>Trung Quốc chỉ trích Mỹ ‘bắt nạt kinh tế’, tuyên bố sẽ tự lực cánh sinh
'Con tốt' đầu tiên trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Bài học từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dành cho ông Trump khi thổi bùng chiến tranh thương mại