Bất động sản

‘Cấm’ chung cư mini, sao lại hạn chế quyền của dân?

Tư Giang 01/10/2023 - 10:18

Hà Nội thống kê sơ bộ có 2.000 chung cư mini, mà có lẽ còn nhiều hơn trên thực tế. Đừng tẩy chay nó. Đừng hạn chế quyền kinh doanh và cư trú của dân. Nhà nước đã không lo được nhà cho dân trong nền kinh tế thị trường thì hãy để dân lo cho dân.

Khi rời ký túc xá đại học cách đây nhiều năm, tôi đã ở lang thang khắp nơi, chủ yếu là nhà cấp 4 lợp mái Fibro xi măng trong các con ngõ nhỏ ở Hà Nội. Có lần, tôi tá túc hơn nửa năm trong một căn nhà dột nát trong khu Trung Tự ngay cạnh chuồng lợn, cứ gần sáng là lợn réo ầm lên.

Hồi đó, Hà Nội không hề có chung cư mini, loại hình nhà ở do dân xây dựng nhiều trong vòng 20 năm trở lại đây. Mà chung cư mini ngày nay, với các tiện ích hiện đại, khép kín, bằng vạn lần cái nhà ở Trung Tự và tất cả các nhà lợp Fibro xi măng khác mà tôi và nhiều người thế hệ tôi từng ở.

Sau vụ cháy tang thương ở quận Thanh Xuân, nhiều tờ báo làm phóng sự về các căn chung cư mini trong nỗ lực phản ánh nguy cơ cháy nổ rình rập. Đó là việc cần thiết nhưng mới chỉ một chiều. Chiều kia là tại một trong những chung cư mini đó có cả một đại biểu quốc hội quen thuộc. Ông đã ở đó nhiều năm cùng đại gia đình, cũng như nhiều người khác.

Chung cư mini và nhà trọ của dân đang là nơi trú ngụ của những nhân vật như vậy, của hàng trăm ngàn người nhập cư là cán bộ, viên chức, sinh viên, học sinh, người lao động… những người đã về Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh từ vùng quê nào đó để làm ăn, sinh sống trong cuộc chuyển đổi đô thị hóa ào ạt chưa từng có ở nước ta.

“An cư, lạc nghiệp”. Không ai muốn ở trong các chung cư mini chật trội hay những khu nhà trọ tồi tàn, mất vệ sinh, mất an toàn nếu có điều kiện tài chính, thu nhập tốt hơn.

Thử xem quá trình đô thị hóa như thế nào? Ở Thủ đô, Đống Đa là quận có mật độ dân số cao nhất với 37.869 người/km2. Đứng thứ hai là quận Thanh Xuân với 31.973 người/km2 và tiếp theo nữa là các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình vơi dân số lần lượt là 29.074 người/km2, 26.093 người/km2 và 24.462 người/km2.

Hà Nội thống kê sơ bộ có 2.000 chung cư mini

Để so sánh, mật độ trung bình ở Hà Nội là 2.398 người/km2, ở TP. HCM là 4.375 người/km2, ở Singapore là 8.542 người/km2, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, là 1.311 người/km2.

Phải đặt những con số trên cạnh nhau mới thấy, mật độ dân số ở các quận nội thành của Hà Nội cao đến mức độ thế nào và sự phát triển mất cân đối tích tụ trong nhiều năm đã để lại hệ quả ra sao!

Nói gì thì nói, Hà Nội là Thủ đô nên gần như ai có điều kiện cũng muốn và cố gắng có một căn hộ, ngôi nhà, mảnh đất đất để giữ tài sản, cho con cái. Đã từng có những làn sóng lúc âm thầm, lúc sôi động, đổ ra thủ đô mua đất, mua chung cư.

Người ta tính toán, chỉ cần một cán bộ lãnh đạo cấp sở, huyện là có thể mua được nhà ở Hà Nội, chưa nói đến hàng trăm ngàn doanh nhân đã nổi lên từ sau Đổi mới. Giá nhà đất Hà Nội chỉ có lên, không có xuống là vì thế, và nó xa tầm với của đa số dân chúng.

Một chuyên gia từng tính toán, một người lao động phải làm ăn chăm chỉ, không ăn, không tiêu để tích lũy thì mất tới 170 năm mới mua được căn nhà đất, hay hơn 20 năm để mua căn hộ chung cư. Thậm chí, có người ngoa ngôn còn nói, một người lao động bình thường phải làm và tích lũy từ thời nhà Lý may ra mới mua được nhà Hà Nội.

Thời bao cấp, Nhà nước còn lo cho cán bộ công nhân viên chức nhà ở trong các khu tập thể được phân, được cấp. Ngày nay, Nhà nước dừng dịch vụ này và, thật kỳ lạ, đưa trách nhiệm cung cấp dịch vụ ở cho các nhà đầu tư tư nhân bằng quy định dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Hà Nội nâng tỷ lệ này lên 25% do có cơ chế đặc thù.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ. Hiện nay, có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án với hơn 12.000 căn hộ dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025 và 22 dự án với khoảng 22.400 căn hộ dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025.

Việc cung cấp nhà ở xã hội với giá rẻ hơn so với giá nhà chung cư cho thấy cung kém xa cầu. Minh chứng là giá nhà ở xã hội giờ cũng lên đến tầm 30 triệu đồng/m2. Dòng người dài dằng dặc xếp hàng từ tờ mờ sáng để chen chân mua nhà ở xã hội ở đường Tố Hữu cách đây mấy tháng là ví dụ sinh động. Và thật buồn.

Ấy vậy mà cách ứng xử với nó thật là cực đoan. Đại diện EVN Hà Nội còn dọa cắt điện. Sao lại dọa cắt điện, cắt nước của dân?! Hiến pháp năm 2013 đâu có cho phép điều đó!

Có người lại cho rằng, chung cư mini phá vỡ quy hoạch, làm tăng mật độ dân cư. Nói vậy thì quá dễ. Xin lưu ý là Nhà nước đã bỏ hộ khẩu để tạo điều kiện cho dân làm ăn, sinh sống thuận lợi hơn.

Tôi muốn các nhà hoạch định chính sách thử đến thăm khu dân cư, các ngôi làng quanh trục đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy… nơi tập trung các trường đại học, bệnh viện để thấy chung cư mini và nhà dân đang là nơi ở của bao nhiêu sinh viên, bệnh nhân, những người lẽ ra cần được ở trong ký túc xá hay bệnh viện do Nhà nước cung cấp dịch vụ.

Hay lên Hòa Lạc, nơi mới chỉ có một trường đại học chuyển đến, để xem ký túc xá đáp ứng nhu cầu ở của sinh viên thế nào, hay các cháu lại phải thuê các chung cư mini và nhà dân?

Hà Nội thống kê sơ bộ có 2.000 chung cư mini, mà tôi đồ rằng có còn nhiều hơn trên thực tế. Đừng tẩy chay nó. Đừng hạn chế quyền kinh doanh và cư trú của dân. Nhà nước đã không lo được nhà cho dân trong nền kinh tế thị trường thì hãy để dân lo cho dân.

Các quy định về xây dựng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC hiện hành là khá đầy đủ để áp dụng, quản lý, chế tài cho loại hình nhà ở này. Nếu thiếu quy định pháp luật nào thì cần bổ sung để thị trường vận hành, thay vì ngăn cản thị trường.

Còn cái chung cư mini kia ở quận Thanh Xuân với những sai phạm công bố ban đầu có vẻ là hậu quả của buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay thông đồng. Một người bình thường không thể xây căn nhà đến 9 tầng khi giấy phép xây dựng chỉ là 6 tầng.

Vụ cháy chung cư mini chấn động tâm can của từng người không chỉ bởi quy mô tang thương của nó mà còn bởi đa số chúng ta, những người nhập cư, đều từng ở những căn nhà như vậy, thậm chí tồi tàn hơn. Chúng ta thấy mình trong đó.

Xử lý đúng chỗ yếu kém trong quản lý, đưa ra các giải pháp, chế tài để hạn chế rủi ro cháy nổ chứ sao lại xử lý loại hình nhà ở này, hạn chế thị trường? Cách tiếp cận không quản được thì cấm là đơn giản quá và chắc chắn không phù hợp với quá trình đô thị hoá đang sầm sập diễn ra.

Tư Giang

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: 'Phát hiện rất nhiều sai phạm tại chung cư mini'

'Chung cư mini' chỉ được cho thuê, không bán

Hơn 1.500 chung cư mini, nhà trọ tại TP.HCM vi phạm cháy nổ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cam-chung-cu-mini-sao-lai-han-che-quyen-cua-dan-2196307.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
‘Cấm’ chung cư mini, sao lại hạn chế quyền của dân?
POWERED BY ONECMS & INTECH