Xã hội

Căn bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam: Tỷ lệ cao hơn cả ung thư, người dân cần có kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời

Thùy Dung 17/12/2024 14:29

Xếp sau là những căn bệnh gây tử vong được liệt kê trong danh sách như ung thư phổi, ung thư gan, bệnh tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Trong tham luận tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã công bố 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Các bệnh không lây nhiễm (NCDs) chiếm đa số, dẫn đầu là bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não, đột quỵ) với tỷ lệ 86/100.000 dân. Tiếp theo là ung thư phổi, ung thư gan, bệnh tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Tai nạn giao thông, dù không thuộc nhóm bệnh lý, vẫn là vấn đề nghiêm trọng, xếp thứ 6 với tỷ lệ 10/100.000 dân. Những số liệu này cho thấy gánh nặng bệnh tật đang chuyển dịch từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và những yếu tố liên quan đến lối sống.

Căn bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam: Tỷ lệ cao hơn cả ung thư, người dân cần có kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời - ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Ảnh: Dân trí

"Chỉ khoảng 16% số trường hợp tử vong có dữ liệu rõ ràng về nguyên nhân. Đối với tử vong tại nhà, nguyên nhân thường được ghi nhận chung chung như 'suy tim', 'suy hô hấp' hoặc 'chết già', làm giảm giá trị sử dụng của số liệu trong hoạch định chính sách", Bộ Y tế nhận định.

Báo cáo từ Bộ Y tế cũng cho thấy số ca tử vong ghi nhận tại cộng đồng và bệnh viện ở Việt Nam đang tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng số người tử vong là 267.000 trường hợp, đến năm 2023 con số này đã tăng lên 391.610. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, số tử vong đã đạt 329.200 trường hợp.

Trước đó, tại chương trình đi bộ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức hôm 30/11, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh cho biết: “Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, với tỷ lệ cứ 6 người thì 1 người có nguy cơ mắc bệnh”. Đáng chú ý, số lượng người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng gia tăng, nguyên nhân chính đến từ lối sống thiếu lành mạnh như tiêu thụ nhiều chất béo, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và ít vận động.

Bệnh đột quỵ được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Theo BS Trọng Nghĩa, mỗi phút trôi qua, bệnh nhân đột quỵ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh. Thời gian vàng để cấp cứu và điều trị tái lưu thông mạch máu não chỉ kéo dài trong khoảng 3 đến 4,5 giờ đầu từ khi xuất hiện các triệu chứng.

Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này vẫn còn nhiều hạn chế. “Những sai lầm trong sơ cấp cứu ban đầu, như bấm huyệt, cắt lễ đầu ngón tay, cạo gió hoặc để bệnh nhân nghỉ ngơi, không chỉ làm mất thời gian vàng mà còn khiến tình trạng đột quỵ trở nên nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị”, BS Nghĩa chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, nhiều trường hợp nhập viện muộn do áp dụng các phương pháp sơ cứu sai lầm, dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc tàn phế cao.

Căn bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam: Tỷ lệ cao hơn cả ung thư, người dân cần có kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời - ảnh 2
Nguy cơ đột quỵ gia tăng vào mùa lạnh và trở thành bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng tỷ lệ thường tăng cao vào mùa lạnh. Vào mùa lạnh, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch, khiến máu tập trung về các cơ quan quan trọng như não và tim. Đối với những người có túi phình mạch máu não hoặc mạch máu yếu, nguy cơ vỡ mạch dẫn đến xuất huyết não là rất lớn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp dễ gặp khó khăn trong việc kiểm soát huyết áp, đặc biệt vào sáng sớm khi tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng cao. Những hành động như thay đổi tư thế đột ngột hoặc đi vệ sinh khi chưa tỉnh táo hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Để giảm nguy cơ tử vong và tàn phế do đột quỵ, BS Trọng Nghĩa khuyến cáo cộng đồng cần chú ý đến các dấu hiệu như tê hoặc yếu tay chân, chóng mặt, mất thăng bằng, nhìn đôi, khó nói, đau đầu dữ dội, mất trí nhớ tạm thời, hoặc bất tỉnh. Khi nhận thấy các triệu chứng này, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

>> Đột quỵ tăng mạnh trong mùa lạnh, chuyên gia cảnh báo những thói quen cần thay đổi ngay

'Cái chết' rình rập mùa đông, bác sĩ chỉ ra cách phân biệt đột quỵ và trúng gió

Chàng trai 26 tuổi bị đột quỵ, bác sĩ cảnh báo thói quen ăn uống nguy hiểm

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/can-benh-xuat-hien-nhieu-vao-mua-dong-dung-dau-bang-nguyen-nhan-gay-tu-vong-tai-viet-nam-ty-le-cao-hon-ca-ung-thu-nguoi-dan-can-co-kien-thuc-de-phong-tranh-va-xu-ly-kip-thoi-132471.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Căn bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam: Tỷ lệ cao hơn cả ung thư, người dân cần có kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời
    POWERED BY ONECMS & INTECH