Cận cảnh cầu vượt biển gần 12.000 tỷ dài nhất Việt Nam chứa hầm kỹ thuật "khổng lồ" bí ẩn, xe chạy 80km/h trên 4 làn đường
Đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) có tổng chiều dài 5,44km. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.
Cầu thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng chiều dài 15,63km. Điểm đầu nối từ đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại nút Tân Vũ) thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện (cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) thuộc huyện Cát Hải.
Trong đó, phần cầu có chiều dài 5,44km; phần đường dẫn dài 10,19km. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 16m. Tổng mức đầu tư dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là 11.849 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án đã được thông xe từ tháng 9/2017.
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện có vai trò kết nối với toàn khu vực nói chung. Cụ thể, cây cầu kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long và cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Từ đó, cây cầu góp phần tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc đưa công trình đường và cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện vào sử dụng góp phần phát huy tối đa lợi thế biển. Cụ thể, trong việc phát triển kinh tế và du lịch, cây cầu góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại cũng như giảm tai nạn, rủi ro do vận chuyển bằng phà, sà lan.
Đặc biệt, cây cầu sẽ kết nối và góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho những dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Khác với nhiều công trình giao thông, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam có một "đường hầm" đặc biệt. Đường hầm thực tế là chiếc hộp kỹ thuật khổng lồ của công trình thế kỷ này. Hệ thống cáp lắp bên trong đường hầm đảm bảo sự vận hành của cầu vượt biển. Lối thông nhau của các phần hầm thể hiện kết cấu kỹ thuật đặc biệt của công trình cầu đặc biệt trên biển.
Cầu gồm 88 nhịp (mỗi nhịp 60m) được thông với nhau tạo nên một đường hầm dài 4,5km theo chiều dài của cầu. Đây cũng chính là đường hầm dầm cầu dài nhất ở nước ta.
Đường hầm dầm cầu rộng 9m, cao hơn 2,5m, mỗi nhịp dầm cầu được thi công lắp đặt gồm 12 bó cáp dưỡng lực. Cáp dưỡng lực có tác dụng chịu lực chính của cầu. Bên trong đường hầm sẽ được lắp hệ thống điện chiếu sáng để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng dầm cầu.
Hệ thống cáp lắp bên trong đường hầm đảm bảo sự vận hành của cầu vượt biển, đáp ứng cho phương tiện chạy với vận tốc 80km/h trên 4 làn đường.
Hải Phòng có hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển, đặc biệt là kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Điều này góp phần đưa Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng, với khu vực và quốc tế.