Cảng biển của tỷ phú Trần Bá Dương hợp tác với hãng tàu lớn nhất Singapore
Cảng biển này cũng hỗ trợ tư vấn và thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của Úc, đảm bảo hàng hóa được thông quan nhanh chóng và tối ưu hóa chi phí.
Úc là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam, với nhu cầu tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, phương tiện thiết bị, sản phẩm công nghiệp nhẹ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại miền Trung và Tây Nguyên thường gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang Úc, nguyên nhân chính là do sự hạn chế của tuyến dịch vụ vận tải biển quốc tế tại khu vực này.
Nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường Úc với chi phí cạnh tranh, cảng quốc tế Chu Lai đã hợp tác với hãng tàu PIL để khai thác tuyến trung chuyển từ Chu Lai (Quảng Nam) và Nam Đình Vũ (Hải Phòng), qua Singapore và đến Brisbane (Úc).
Cảng quốc tế Chu Lai. Ảnh: THILOGI |
>> Tỷ phú Trần Bá Dương làm việc với UBND Gia Lai, xúc tiến dự án chăn nuôi hơn 4.000 tỷ đồng
PIL (Pacific International Lines) là hãng tàu lớn nhất Singapore, xếp hạng thứ 12 thế giới về năng lực vận chuyển. Sự hợp tác với PIL giúp cảng quốc tế Chu Lai mở rộng cơ hội kết nối hàng hóa từ miền Trung đến các cảng lớn của Úc như Melbourne, Sydney, Brisbane, Fremantle, Darwin… với tần suất 4 chuyến mỗi tháng. Đồng thời, cảng còn hỗ trợ tư vấn và thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của Úc, đảm bảo hàng hóa được thông quan nhanh chóng và tối ưu hóa chi phí.
Không chỉ dừng lại ở đó, với mục tiêu đa dạng hóa tuyến hàng hải và nâng cao năng lực phục vụ, cảng quốc tế Chu Lai tiếp tục tăng cường hợp tác với nhiều hãng tàu quốc tế như SITC, CMA CGM, ZIM, WAN HAI, RCL, ONE… để khai thác các tuyến hàng hải kết nối từ các cảng trung tâm trung chuyển hàng hóa (Hub-port) đến châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.
Đồng thời, cảng cũng liên kết với nhiều hãng tàu nội địa, gia tăng khả năng vận chuyển hàng hóa từ Chu Lai đến các cảng trung chuyển lớn như Lạch Huyện, Nam Đình Vũ (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cát Lái (TP.HCM)...
Từ đầu năm đến nay, cảng quốc tế Chu Lai đã đón hơn 1.000 lượt tàu cập cảng, mở rộng mạng lưới tuyến dịch vụ và mang đến nhiều giải pháp vận chuyển hiệu quả cho các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cảng dự kiến đẩy mạnh khai thác nguồn hàng xuất khẩu từ các cụm, khu công nghiệp và khu kinh tế tại miền Trung, Tây Nguyên, cũng như các quốc gia như Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, cảng sẽ tích cực hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới, hướng đến mục tiêu trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Cảng quốc tế Chu Lai thuộc sở hữu của Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI), được đầu tư xây dựng năm 2010 và chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động vào tháng 5/2012 tại tỉnh Quảng Nam.
Đây là cảng hàng hóa tổng hợp với các phân khu chuyên biệt, vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của THACO đồng thời cung cấp các dịch vụ cảng biển, kho bãi cho các nhà đầu tư trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia.
Với tiền thân là Chu Lai Logistics được thành lập năm 2004, năm 2020, Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã ra đời và hoạt động theo mô hình Tổng công ty trong lĩnh vực giao nhận vận chuyển (logistics) thuộc THACO Group, do tỷ phú Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT.
>> Công ty logistics của tỷ phú Trần Bá Dương chuẩn bị mở chi nhánh mới tại Trung Quốc và Mỹ