Đây cũng là cảng nước sâu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Theo báo cáo về chỉ số CPPI – chỉ số hoạt động cảng container cho 348 cảng container toàn cầu được World Bank và S&P Global Market Intelligence công bố hồi giữa năm 2023, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) của Việt Nam giữ vị trí thứ 12 trong số 348 cảng container hoạt động tốt nhất thế giới. Thứ hạng này của cảng Cái Mép - Thị Vải cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama – Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan – Hàn Quốc (thứ 22).
Cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam
Cảng Cái Mép - Thị Vải |
Nằm giữa các tuyến đường biển và đường bộ quan trọng, thị xã Phú Mỹ có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Lợi thế lớn nhất phải kể đến là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay Cái Mép - Thị Vải. Được xây dựng dọc theo sông Cái Mép - Thị Vải với độ sâu 15-20m và rộng 600m - lý tưởng cho các loại tàu quay đầu và cảng có thể đón nhận những tàu lớn nhất trên thế giới.
Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được thiết kế để tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 80.000DWT, với công suất thông qua đạt 600.000-700.000TEU mỗi năm. Cảng Cái Mép - Thị Vải cũng có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có tải trọng lên đến 75.000DWT. Công suất thông qua cảng đạt 1,6-2 triệu tấn mỗi năm. Tổng diện tích của cảng là 27ha.
Đầu thập niên 1990, nhận thấy những hạn chế của cụm cảng Sài Gòn, Chính phủ Việt Nam bắt đầu quan tâm xây dựng một cảng nước sâu mới phục vụ khu vực Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Cái Mép - Thị Vải được chọn vì có độ sâu, nằm gần khu vực hội tụ sản xuất ở miền Đông Nam Bộ, lại nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế từ Hồng Kông tới Singapore.
Cảng Cái Mép - Thị Vải được kết nối với các khu công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh khác bằng tỉnh lộ 965 và quốc lộ 51. Nhờ cảng sâu cho phép tàu lớn vào cảng, thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa miền Nam Việt Nam với các nước đã được rút ngắn đáng kể vì đỡ phải quá cảnh ở Singapore.
Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được quy hoạch ra sao trong tương lai?
Khu vực Cái Mép – Thị Vải có khoảng 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.
Cái Mép – Thị Vải đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Mỹ, Châu Âu vượt trội hơn hẳn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore vì đây là 2 hub); Kích cỡ tàu vào Cái Mép gia tăng nhanh chóng, 40% số tuyến dịch vụ khai thác tàu kích cỡ trên 160.000DWT. Tàu tuyến Á - Âu chủ yếu khai thác đội tàu kích cỡ từ 18.000TEUS trở lên, tàu lớn nhất ra/vào cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là 194.000DWT.
Khu Cái Mép sẽ là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, khu bến Thị Vải sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, Cái Mép – Thị Vải sẽ tiếp nhận các tàu trọng tải lớn để làm hàng, khu Cái Mép sẽ là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, còn với khu bến Thị Vải sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng.
Trong đó, khu bến Cái Mép có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000-250.000DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và tàu tổng hợp, hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000DWT hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải. Đến năm 2025, khu bến Cái Mép sẽ có 26-27 cầu cảng, tổng chiều dài 6.679m, có khả năng thông qua 113,6-130 triệu tấn hàng. Đến năm 2030, quy mô phát triển của khu bến Cái mép sẽ tăng lên 31-32 cầu cảng, tổng chiều dài 8.479-8.879m, có khả năng thông qua 145,6-170,1 triệu tấn hàng.
Trong khi đó, khu bến Thị Vải được quy hoạch nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu bến có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000DWT tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, đến 60.000DWT tại Mỹ Xuân và đến 30.000DWT phía thượng lưu cầu Phước An. Đến năm 2025 sẽ có 28-32 cầu cảng, tổng chiều dài 7.966-8.085m. khả năng thông qua 44,7-59,2 triệu tấn. Đến năm 2030, khu bến Thị Vải sẽ có 33-37 cầu cảng, tổng chiều dài 9.367-10.742m, khả năng thông qua 53-71,9 triệu tấn.
Không chỉ vậy, việc phát triển hạ tầng hàng hải công cộng cũng sẽ thực hiện theo từng giai đoạn để đảm bảo mục tiêu của quy hoạch. Cụ thể, các hạ tầng đường bộ kết nối cho việc phát triển cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ được ưu tiên xây dựng bao gồm: Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, Biên Hoà – Cái Mép, đường liên cảng, cầu Phước An tới cảng Cái Mép – Thị Vải, cao tốc Bến Lức, Long Thành.
Hạ tầng đường thuỷ nội địa và ven biển bao gồm: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thuỷ nội địa theo hành lang logistics kết nối Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đến các cảng khu vực TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, tuyến vận tải thuỷ quốc tế Campuchia
Hạ tầng đường sắt bao gồm các tuyến Biên Hoà – Vũng Tàu kết nối tuyến Sài Gòn – Lộc Ninh để vận chuyển hàng từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, liên vận quốc tế về Cái Mép.
> > Tỉnh ‘bé hạt tiêu’ phía Bắc sắp đón loạt cảng thủy nội địa mới
Thủ tướng phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép
Tỉnh nhỏ sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương ghi nhận thu ngân sách nội địa bật tăng 52%