Thế giới

Cảng lớn nhất Châu Âu chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh

Nhật Hạ 10/07/2025 15:49

Rotterdam bắt đầu dành không gian cho tàu tiếp vận của NATO và lên kế hoạch cho các cuộc tập trận quân sự.

Cảng Rotterdam – cảng biển lớn nhất châu Âu – đang tích cực chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Nga bằng cách dành riêng không gian cho các tàu chở vật tư quân sự và xây dựng phương án chuyển hướng hàng hóa trong trường hợp chiến tranh bùng phát.

Ông Boudewijn Siemons, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý Cảng Rotterdam, cho biết cảng đang phối hợp với cảng Antwerp láng giềng trong việc chuẩn bị kịch bản nếu phương tiện và vật tư của Anh, Mỹ và Canada đổ bộ vào châu Âu.

“Không phải bến cảng nào cũng phù hợp để xử lý hàng hóa quân sự”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. “Nếu khối lượng hàng quân sự lớn cần được vận chuyển, chúng tôi sẽ tính đến việc phân bổ sang Antwerp hoặc các cảng khác để chia sẻ công suất, và ngược lại. Chúng tôi ngày càng xem nhau ít hơn là đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, chúng tôi vẫn cạnh tranh khi cần, nhưng sẽ hợp tác khi có thể”.

Những biện pháp của Rotterdam nằm trong làn sóng chuẩn bị chiến tranh đang lan rộng khắp châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng một kế hoạch tái vũ trang với quy mô lên tới 800 tỷ euro nhằm hướng tới tự chủ quốc phòng – đáp ứng yêu cầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và tăng cường năng lực răn đe.

Hà Lan, cùng với các đồng minh NATO, đã cam kết nâng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP. Vào tháng 5, Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo rằng Rotterdam sẽ phải dành không gian để xử lý nhiều tàu chở hàng quân sự theo yêu cầu của NATO.

rotter-2.jpg
Kết nối hậu cần chiến lược giữa Cảng Rotterdam (Hà Lan) và Cảng Antwerp (Bỉ). (Ảnh: FT)

Ông Siemons cho biết, mỗi năm sẽ có khoảng 4–5 lần, một hoặc nhiều tàu quân sự cập cảng trong vài tuần, tuy nhiên vị trí cụ thể có thể thay đổi. Hiện tại, bến container của Rotterdam là nơi duy nhất tại cảng có thể đảm bảo an toàn khi chuyển giao đạn dược giữa các tàu.

Ngoài ra, các cuộc tập trận quân sự đổ bộ cũng sẽ được tổ chức nhiều lần mỗi năm.

Cảng từng xử lý khí tài quân sự trong quá khứ, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh vùng Vịnh từ năm 2003, tuy nhiên ngay cả thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Rotterdam cũng chưa từng có cầu cảng chuyên dụng cho mục đích quân sự.

Trong khi đó, cảng Antwerp thường xuyên tiếp nhận vật tư dành cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại châu Âu.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã cảnh báo các nước thành viên trong tháng 6 rằng Nga có thể tấn công một trong số họ trước năm 2030.

Cảng Rotterdam trải dài 42km dọc theo sông Meuse ở Hà Lan, xử lý khoảng 436 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đón khoảng 28.000 tàu biển và 91.000 tàu sông đến từ Đức và các vùng nội địa châu Âu.

Sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Rotterdam đã mất khoảng 8% lượng giao thương – chủ yếu là dầu mỏ.

Cảng Antwerp xử lý 240 triệu tấn hàng hóa hàng năm, là cảng lớn thứ hai trong EU.

Ông Siemons cho biết hai cảng cũng đang hợp tác để tăng cường năng lực tự chủ cho châu Âu. “Các đội ngũ của chúng tôi đang phối hợp ngày càng chặt chẽ trong nhiều vấn đề, bao gồm cả khả năng phục hồi chiến lược”.

rotter.jpg
Bến container của Rotterdam là nơi duy nhất trong cảng có thể thực hiện việc chuyển giao đạn dược giữa các tàu một cách an toàn. (Ảnh: FT)

Bài học từ khủng hoảng: Xây dựng khả năng tự cường chiến lược

Đại dịch Covid-19, khi các quốc gia châu Âu phải vất vả tìm kiếm thiết bị bảo hộ và thuốc men, đã phơi bày sự phụ thuộc của họ vào một số ít nhà cung ứng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc dòng chảy dầu mỏ từ Nga đột ngột suy giảm sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine cũng là một bài học lớn, theo ông Siemons.

Ông kêu gọi các quốc gia châu Âu nên dự trữ nhiều hơn các loại vật tư thiết yếu, tương tự như cách họ đã làm với dầu mỏ. Sau cú sốc dầu mỏ năm 1973 – khi các nước Ả Rập cắt giảm sản lượng để gây áp lực với phương Tây trong xung đột với Israel – EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên duy trì dự trữ chiến lược tương đương 90 ngày tiêu dùng.

“Chúng ta nên làm điều tương tự với các loại vật liệu quan trọng như đồng, lithium, graphite và nhiều loại nguyên liệu thô thiết yếu khác”, ông Siemons nói.

“Chúng ta đã làm điều đó với dầu mỏ, nhưng vẫn chưa với khí đốt. Tất nhiên châu Âu vẫn còn một số mỏ khí có thể phục vụ nhu cầu này, nhưng chúng ta cần xem xét đến một phổ rộng hơn về khả năng phục hồi chiến lược – bao gồm cả dược phẩm – và xác định nơi để xây dựng kho dự trữ. Xã hội chúng ta có khả năng chống chịu đến mức nào? Đó là câu hỏi ngày càng quan trọng trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn”.

Ông cho rằng những khu vực gần cảng – nơi có hệ thống phân phối hàng hóa tốt – sẽ là địa điểm lý tưởng để xây dựng các kho dự trữ chiến lược. Một phần dự trữ dầu chiến lược quốc gia của Hà Lan hiện cũng được lưu trữ tại Rotterdam.

Dự kiến, EU sẽ công bố một “chiến lược dự trữ” vào thứ Ba tới, bao gồm các mặt hàng như vật tư y tế, nguyên liệu thô quan trọng, thiết bị năng lượng, nơi trú ẩn và có thể cả lương thực, nước uống.

Theo FT

>> Từ chối chi 5% GDP cho quốc phòng, 1 quốc gia NATO bị ông Trump thêm vào 'danh sách đen'

Ông Trump nói đang 'giúp đỡ Ukraine rất nhiều', Nga lên án NATO

Lộ diện top 10 quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, 2 nước châu Á bất ngờ tăng vọt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/cang-lon-nhat-chau-au-chuan-bi-cho-nguy-co-chien-tranh-146502.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảng lớn nhất Châu Âu chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh
    POWERED BY ONECMS & INTECH