Xã hội

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Cẩm Tú 21/11/2024 09:47

Tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) trước cổng trường học dù được cơ quan chức năng chấn chỉnh, siết chặt nhưng vẫn diễn ra. Để giải quyết bài toán này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó nhà trường, phụ huynh, học sinh cần nâng cao ý thức tiêu dùng.

Tiện lợi gắn liền với hiểm họa về ATTP

Hàng quán vỉa hè trước cổng trường học từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những hiểm họa về ATTP mà phụ huynh, học sinh và nhà trường cần phải cảnh giác.

Số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng,… còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ gây bệnh ung thư.

"Cửa hàng di động" xiên bẩn trên phố Hàng Bài, trước cổng trường THCS Trưng Vương.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trước cổng nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, hàng quán vỉa hè, xe hàng lưu động, xe hàng rong xuất hiện nhan nhản, hoạt động khó kiểm soát. Những hàng quán bày bán đủ các món ăn vặt như xúc xích, nem chua rán, phô mai que, thịt xiên, bánh tráng trộn, bánh kẹo,… luôn thu hút đông đảo học sinh bởi hương vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt và giá cả phải chăng.

Trong vai học sinh mua những món khoái khẩu của các cô cậu học trò, chúng tôi “choáng ngợp” trước cách chế biến cũng như giá cả của các món ăn quà vặt này ở gần một cổng trường học trên địa bàn Hà Nội. Qua quan sát cho thấy, giá của các loại “xiên bẩn” được bán với mức giá dao động chỉ 2.000 – 8.000 đồng/xiên; nhiều loại nước giải khát đủ màu, đủ vị chỉ có giá 5.000 – 15.000 đồng/cốc;...

Đáng lo ngại, những mặt hàng thực phẩm này thường được chế biến một cách sơ sài với nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác thương hiệu,... Dầu chiên thường được tái sử dụng nhiều lần và ngả màu đen kịt, gây nguy cơ sinh ra các chất độc hại.

Quy trình chế biến ở các cơ sở này cũng là một điều đáng chú ý khi dụng cụ chế biến thường xuyên được sử dụng lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín mà không qua vệ sinh kỹ lưỡng. Người bán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng tay trần; cách bảo quản sơ sài, không che đậy khiến bụi bẩn và côn trùng dễ dàng xâm nhập;…

Thậm chí, tại một cơ sở bán "xiên bẩn" ở ngã tư phố Lò Đúc giao Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), gần trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, phóng viên bắt gặp hình ảnh chiếc giẻ lau sau khi được người bán hàng dùng làm sạch bàn cuốn nem – nơi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, lại tiếp tục được dùng để lau tay và các dụng cụ chế biến như dao, kéo hay thấm dầu thừa trong khay đựng đồ chín.

Do không thể tìm được vị trí hợp lý, nhiều xe hàng rong bất chấp bán ngay gần các khu vực mất vệ sinh như cạnh thùng rác, cống rãnh. Không những vậy, tại đây còn tồn tại hiện tượng các que xiên sau khi “thượng đế” vứt xuống đất đã được chủ hàng vô tư nhặt lên để tái sử dụng. Dù chưa thể xác minh liệu các que xiên này có được làm sạch và xử lý đúng quy chuẩn vệ sinh ATTP sau đó hay không nhưng hành động thiếu ý thức của người bán hàng đủ cho thấy chỉ vì lợi nhuận mà “ngó lơ” quy định ATTP, đạo đức kinh doanh…

Cả cộng đồng chung tay vào cuộc

Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP tại các trường học luôn được TP Hà Nội quan tâm, chú trọng. Từ tháng 8/2024, TP đã bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn.

Hàng xe lưu động tại một cổng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội sau giờ tan trường.
Hàng xe lưu động tại một cổng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội sau giờ tan trường.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 8/2025, toàn TP tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm ATTP trong và ngoài trường học. Hà Nội sẽ rà soát các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học. Tuy nhiên, việc kiểm soát từ chính quyền sẽ không thể đạt hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp từ gia đình và nhà trường.

Để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước cổng trường, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, vai trò giáo dục từ gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An lưu ý, phụ huynh trang bị cho con em kiến thức cơ bản về việc phân biệt thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, nhận diện các địa chỉ uy tín và tránh xa những nơi bán thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Song song với đó, nhà trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Không chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo học sinh và phụ huynh không nên sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, các trường học tăng cường giám sát và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn về ATTP.

>> Cảnh báo nguy cơ để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Thu giữ gần 7 tấn nho nhập khẩu trị giá hàng tỷ đồng nghi chứa chất độc hại, cơ quan chức năng Thái Lan cam kết siết chặt an toàn thực phẩm

Bộ Y tế lên tiếng về thủ đoạn giả danh đoàn thanh tra an toàn thực phẩm

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/canh-bao-an-toan-thuc-pham-truoc-cong-truong-hoc.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học
    POWERED BY ONECMS & INTECH