Tuyến Metro số 1 TP. HCM mặc dù đã hoàn thành 98%, thế nhưng vẫn còn một số vấn đề khiến việc đi vào hoạt động của dự án chưa thể sẵn sàng.
Tại phiên họp thường kỳ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và đề ra nhiệm vụ tháng 5, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM đã đề cập về tuyến Metro số 1 TP. HCM (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, khối lượng dự án Metro số 1 đã hoàn thành đến 98% nhưng tỷ lệ thanh toán rất thấp. Vì thế, lãnh đạo TP. HCM đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để thực hiện thanh toán cho chủ đầu tư và nhanh chóng đưa Metro số 1 chạy thử, khai thác trong năm 2024.
Theo MAUR, đơn vị này đang tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho tuyến Metro số 1. Để có thể đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, MAUR và các đơn vị đang triển khai những công đoạn cuối, bao gồm công tác thử nghiệm, đào tạo thực hành cho nhân viên vận hành, đánh giá an toàn hệ thống và nghiệm thu.
Tuy nhiên, giai đoạn này cũng phát sinh nhiều vướng mắc, tranh cãi về mặt thương mại giữa các bên, đặc biệt là phạm vi công việc giữa các nhà thầu, tư vấn của dự án.
>> Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, sổ đỏ và sổ hồng sẽ có 'giao diện' mới?
Cùng với dự án tuyến Metro số 1, Chủ tịch UBND TP. HCM còn yêu cầu các đơn vị tập trung, triển khai các việc liên quan điều chỉnh quy hoạch các dự án lớn như: Cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, Vành đai 2, cao tốc Mộc Bài… Triển khai thi ý tưởng quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc; thực hiện tốt công tác ủy quyền quy hoạch cho các địa phương...
Về tuyến đường Metro số 1 TP. HCM, dự án có tổng chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 nhà ga, 3 ga ngầm và 11 ga trên cao với tổng vốn đầu tư là 43.700 tỷ đồng.
Metro số 1 là hạ tầng giao thông quan trọng kết nối khu vực trung tâm TP. HCM với TP. Thủ Đức. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu lưu lượng xe cộ, bớt kẹt xe, giảm tải áp lực cho các tuyến đường hiện hữu. Bên cạnh đó, tuyến Metro cũng đang được nghiên cứu để phát triển, kéo dài về phía Đồng Nai và Bình Dương giúp tăng kết nối, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của cả khu vực.
Dự án được khởi công từ năm 2012, tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc nên khó có thể về đích đúng hạn. Tuyến Metro số 1 đã nhiều lần "lỡ hẹn" với người dân TP. HCM khi liên tục gia hạn thời gian hoàn thành.
>> Đô thị lớn nhất Việt Nam dự chi 13.000 tỷ khơi thông 4 tuyến đường kết nối với cao tốc trọng điểm
Muốn xây tuyến metro số 2, TP. HCM phải chi 1,4 tỷ đồng để đốn cây
Đề xuất kéo dài metro lên 500km, tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ USD tại thành phố đông dân nhất Việt Nam