Cập nhật thông tin mới về dự án tuyến đường vành đai gần 10.000 tỷ đồng của Thanh Hóa
Được biết, tuyến đường vành đai này thuộc danh mục dự án của tỉnh Thanh Hóa ưu tiên thực hiện.
Sở Giao thông vận tải TP. Thanh Hóa mới đây đã đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, đây là dự án nhóm A do HĐND tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư, người cấp quyết định đầu tư là Chủ tịch UBND tỉnh.
Tổng mức đầu tư là 9.985 tỷ đồng, trong đó cơ cấu nguồn vốn dự kiến đề xuất gồm: Vốn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 6.985 tỷ đồng; vốn khai thác quỹ đất khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP. Thanh Hóa, tuyến đường Vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương thuộc danh mục dự án của tỉnh ưu tiên thực hiện.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến Đường Vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là cần thiết, cần triển khai sớm.
Dự án hoàn thành sẽ giúp từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng tuyến đường còn góp phần đặc biệt tạo điều kiện phát triển quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, kích thích đầu tư.
Theo phương án thiết kế sơ bộ, điểm đầu tuyến đường tại Km0+00 tại vị trí giao giữa Quốc lộ 10 và Quốc lộ 1 tại Km319+800/QL.1 thuộc địa phận xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa; tuyến đi trùng, mở rộng Quốc lộ 1 khoảng 2km. Điểm kết thúc là điểm giao với Quốc lộ 1 tại Km339+390 (ngã tư Cống Trúc mới) thuộc địa phận xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương. Chiều dài toàn tuyến khoảng 21,3km (qua địa phận huyện Hoằng Hóa 4,5km, TP. Thanh Hóa 7,6km, huyện Quảng Xương 9,2km).
Trên toàn tuyến sẽ có 3 cây cầu, lớn nhất là cầu vượt sông Mã, nối phường Hoằng Đại với phường Quảng Hưng (dự kiến đặt tên là cầu Đại Hưng) kết cấu nhịp dây văng, cầu gồm 1 đơn nguyên 6 làn xe có chiều rộng cầu chính 31,5m; thứ hai là cầu vượt sông Thống Nhất, kết cấu nhịp giản đơn, cầu gồm 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên 3 làn xe và cầu cầu vượt sông Nhà Lê thiết kế như cầu vượt Thống Nhất.
Theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh của quy hoạch, diện tích đất sử dụng khoảng 176,87ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp với 136,92ha.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, tuyến đường làm mới, trên tuyến có nhiều công trình cầu do đó nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng là tương đối lớn. Dự kiến các loại tài nguyên và 6 vật liệu xây dựng cần sử dụng gồm: đất đắp nền đường, cát xử lý nền đường đất yếu, cát xây dựng, cốt liệu đá dăm bê tông xi măng và bê tông nhựa, đá dăm cấp phối làm móng đường.
>> Thị xã nhỏ nhất Việt Nam sắp có cảng nước sâu hơn 7.000 tỷ đồng