Khu công nghiệp này đã khởi công từ hồi tháng 9/2023.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án khu công nghiệp VSIP giai đoạn 1 đã hoàn thành công tác kiểm đếm, họp xét tính pháp lý, thông qua Hội đồng bồi thường với 602/602 trường hợp ảnh hưởng bởi dự án.
Ðồng thời, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 602/602 trường hợp tương đương diện tích 267,53ha, với tổng số tiền 1.086,3 tỷ đồng (chưa bao gồm phần đất cặp rạch, đất ngoài giấy chứng nhận của hộ dân diện tích khoảng 8,62ha, với số tiền khoảng 23,88 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, phê duyệt chính sách tái định cư 602/602 trường hợp. Trong đó, 68 trường hợp đủ tiêu chuẩn giao đất ở mới, 169 trường hợp đủ điều kiện xét mua và 365 trường hợp không đủ điều kiện xét tái định cư.
Trung tâm đã phối hợp tổ chức chi trả 544/602 trường hợp, tương đương số tiền 994,98 tỷ đồng, diện tích 231,55ha. Còn 58 trường hợp chưa nhận tiền do vướng thủ tục thừa kế, ủy quyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ngân hàng, chưa đồng ý phương án.
Ðến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ đã tổ chức bàn giao mặt bằng ngoài thực địa cho chủ đầu tư 4 đợt với 244,33ha, đạt hơn 83% tổng diện tích toàn khu công nghiệp.
Phối cảnh khu công nghiệp Vĩnh Thanh - VSIP Cần Thơ |
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là khu công nghiệp VSIP đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được quy hoạch với tổng diện tích 900ha toạ lạc tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Dự kiến khi hoàn chỉnh, khu công nghiệp sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD.
Trong đó, khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (VSIP Cần Thơ) được khởi công từ tháng 9/2023 với tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 có diện tích 293,7ha, trước mắt sẽ tạo việc làm cho 20.000-30.000 lao động. Dự án tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long; giáp ranh ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, dễ dàng kết nối với hệ thống cảng, sân bay và các dịch vụ tiện ích của trung tâm thành phố.
Trong đó, khu sản xuất, kho bãi (bao gồm cả đất xây dựng công trình dịch vụ, hành chính của từng nhà máy, cơ sở sản xuất) được bố trí linh hoạt với các quy mô diện tích nhỏ hơn 2ha và lớn hơn 2ha, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Các lô đất có thể cộng gộp hoặc phân chia tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư.
Khu dịch vụ: bố trí khu công trình dịch vụ tại 2 khu vực điểm đầu vào của Khu công nghiệp bao gồm: Văn phòng điều hành Khu công nghiệp, phòng họp, nhà hàng, cửa hàng, chi nhánh ngân hàng, bưu điện, trạm y tế..
Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng các khu các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu cây xanh, mặt nước…
Dự án được thực hiện bởi ba nhà đầu tư, gồm Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDG Corp), Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP Group) và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP JSC).