Cầu dây văng vượt sông gần 500 tỷ đồng lớn nhất, ứng dụng công nghệ Extradosed hiện đại và phức tạp tại tỉnh miền Bắc có ba thành phố trực thuộc

10-05-2024 15:40|Quỳnh Như

Công trình có 2 tháp đỡ được thiết kế lấy hình ảnh từ búp chè xanh đặc trưng của vùng đất phía Bắc này.

Tháng 10/2023, cầu Huống Thượng nối giữa phường Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) và xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) đã chính thức thông xe. Cây cầu hoạt động đúng dịp kỷ niệm 61 năm ngày thành lập thành phố Thái Nguyên (19/10/1962-19/10/2023).

Toàn cảnh cầu Huống Thượng. Ảnh: VGP

Toàn cảnh cầu Huống Thượng. Ảnh: VGP

Cầu Huống Thượng có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2021, cầu được làm bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực có quy mô lớn nhất tỉnh Thái Nguyên tính đến thời điểm hiện tại. Hạng mục cầu và đường dẫn với tổng chiều dài 740m, phần cầu dài 379,2m với 2 tháp đỡ. Tường chắn và đường dẫn mỗi bên 170m, nhịp chính dài 100m, mặt cắt ngang cầu rộng 23,5m. Cầu được thiết kế với 4 làn xe chạy rộng 15m.

Đặc biệt, 2 tháp đỡ cầu Huống Thượng được thiết kế lấy hình ảnh từ búp chè xanh Tân Cương đặc trưng của mảnh đất Thái Nguyên, mỗi tháp chịu trách nhiệm neo giữ 32 bó cáp chịu lực nâng đỡ các nhịp cầu về hai bên. Đây là công nghệ cầu dây văng Extradosed, vừa có tác dụng nâng đỡ, chịu lực vượt trội vừa tạo cảnh quan, điểm nhấn cho cây cầu. Hai bên cầu có phần dành cho người đi bộ, được bảo vệ bởi lan can làm bằng thép không gỉ, bền bỉ và an toàn khi đưa vào sử dụng.

Tháp đỡ được thiết kế lấy hình ảnh từ búp chè xanh Tân Cương. Ảnh: Nguyễn Tùng/Báo Lao Động

Tháp đỡ được thiết kế lấy hình ảnh từ búp chè xanh Tân Cương. Ảnh: Nguyễn Tùng/Báo Lao Động

Từ khi đưa vào sử dụng, cây cầu không chỉ thúc đẩy kinh tế giữa khu vực hai bên sông Cầu mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị, giảm tải áp lực giao thông cho các cây cầu khác như cầu Gia Bảy, cầu Bến Tượng, cầu Cao Ngạn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương khu vực thành phố, phát triển kinh tế cho các huyện, địa phương lân cận.

Cùng với một số công trình khác, việc đầu tư và đưa vào sử dụng cầu Huống Thượng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy mở rộng không gian của thành phố Thái Nguyên về phía Đông theo Quyết định số 1889/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực - thành phố Thái Nguyên.

Được biết, dự án này thực hiện từ năm 2019-2023, tổng nguồn vốn đầu tư 100 triệu USD, trong đó 57 triệu USD sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới và 43 triệu USD vốn đối ứng của thành phố Thái Nguyên.

Thái Nguyên là tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, giáp Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang. Hiện nay, Thái Nguyên là tỉnh miền Bắc duy nhất có ba thành phố trực thuộc, gồm Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên.

Chỉ cách Hà Nội chưa tới 80km, vì thế, du khách có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc xe khách. Tới Thái Nguyên, du khách có thể ghé thăm những di tích cách mạng, địa điểm du lịch nổi tiếng.

Hồ Núi Cốc

Khu du lịch hồ Núi Cốc là một thắng cảnh thiên nhiên nằm ở phía Nam huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 15km. Khu có tổng cộng 89 hòn đảo với những cái tên như đảo Núi Cái, đảo Hoa, đảo Cò, đảo Long Hội.

Ở đây, du khách có thể trải nghiệm ngồi thuyền thúng, khám phá động Thế giới Cổ tích và Âm phủ, động Ba Cây Thông, tham quan quần thể Thuyết Nhân Quả - Chùa Thiêng Thác Vàng, ngôi chùa nằm trong lòng Phật lớn nhất miền Bắc được ghi nhận kỷ lục Guinness.

Đồi chè Tân Cương

Thái Nguyên nổi tiếng với đặc sản chè. Ảnh: Du lịch Thái Nguyên

Thái Nguyên nổi tiếng với đặc sản chè. Ảnh: Du lịch Thái Nguyên

Nhắc đến Thái Nguyên, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đặc sản chè thơm ngon. Vì thế, đồi chè Tân Cương luôn là địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đặt chân đến đồi chè, bạn sẽ cảm nhận được một vùng đất thanh bình xanh mướt mắt.

Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km, những đồi chè bát ngát tập trung ở các khu vực của xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Dừng chân tại đồi chè Tân Cương bạn vừa được tận hưởng một không gian xanh, cùng nhau nhâm nhi ly trà ấm giữa thời tiết se mát khiến tâm hồn bạn khoan khoái hơn, trút bỏ hết những lo toan cuộc sống.

Cửa Tử

Suối Cửa Tử thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn 40km.

Suối Cửa Tử mang vẻ đẹp nguyên sơ. Ảnh: Tùng Núi/Báo Dân Trí

Suối Cửa Tử mang vẻ đẹp nguyên sơ. Ảnh: Tùng Núi/Báo Dân Trí

Suối gồm 7 con thác, chảy len lỏi qua những vách đá, sườn núi sừng sững, được che chắn bởi những tán cổ thụ rộng lớn. Để khám phá con suối, du khách buộc phải trekking (hình thức đi bộ leo núi) qua những phiến đá bám đầy rêu, bơi qua các hồ nước xanh trong, mát lành.

Các thác nước nằm trong khu vực suối Cửa Tử mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Tuy nhiên, đường vào sâu bên trong khá trơn trượt, ẩm ướt, dòng nước cũng lạnh hơn.

Hồ Ghềnh Chè

Hồ Ghềnh Chè thuộc xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20km. Đây là hồ thủy lợi được xây dựng năm 1986 với diện tích mặt nước khoảng 80ha, gồm 45 bán đảo. Hồ Ghềnh Chè được du khách biết đến như một điểm du lịch sinh thái và câu cá vào mỗi dịp cuối tuần. Hiện, hồ Ghềnh Chè đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch mới như đi tàu khám phá lòng hồ, ăn uống, cắm trại, dã ngoại.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), huyện Định Hóa cùng các huyện Đại Từ, Phú Lương được chọn làm An toàn khu Trung ương (ATK) - Thủ đô kháng chiến của cả nước. ATK Định Hóa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Tại đây, du khách có thể tham quan đồi Khau Tý - nơi đặt trụ sở làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa, văn phòng làm việc của Tổng bí thư Trường Chinh ở đồi Nà Mòn, đồi Phong Tướng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội Việt Nam Võ Nguyên Giáp, nhà trưng bày ATK Định Hóa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, lán Bác Hồ ở Khuôn Tát, di tích làng Quặng, di tích Bảo Biên, nhà tù Chợ Chu...

>> Tỉnh là 'đô thị du lịch văn hóa - lịch sử' trở thành địa phương có tốc độ Internet băng rộng cố định nhanh nhất cả nước, gấp đôi cả Hà Nội và TP. HCM

Cầu dây văng 7.300 tỷ đồng có thể chịu được động đất cấp 8, nằm trên tuyến cao tốc đắt nhất Việt Nam, nối hai thành phố du lịch nổi tiếng của phía Bắc

Cây cầu dây văng 5.000 tỷ của Việt Nam: Nắm giữ ‘ngôi vương’ Đông Nam Á và top 10 thế giới suốt 14 năm

Cầu dây văng lớn nhất TP. HCM sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cau-day-vang-vuot-song-gan-500-ty-dong-lon-nhat-ung-dung-cong-nghe-extradosed-hien-dai-va-phuc-tap-tai-tinh-mien-bac-co-ba-thanh-pho-truc-thuoc-d122174.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cầu dây văng vượt sông gần 500 tỷ đồng lớn nhất, ứng dụng công nghệ Extradosed hiện đại và phức tạp tại tỉnh miền Bắc có ba thành phố trực thuộc
POWERED BY ONECMS & INTECH