Cầu vượt biển lớn nhất thế giới: Xây dựng từ tre, vững chắc 6 năm qua bất chấp bão và tác động môi trường
Cầu vượt biển có chiều dài gần 55km ngoài là cây cầu vượt biển lớn nhất thế giới còn là 1 trong 6 cầu dài nhất hành tinh.
Hệ thống cầu vượt biển Hong Kong – Châu Hải – Macau tại Trung Quốc hiện là cầu và đường hầm vượt biển lớn nhất thế giới với chiều dài 54,7km và giá trị đầu tư đạt 18,8 tỷ USD.
Công trình này bao gồm 3 cầu cáp treo, một đường hầm dưới biển và 4 đảo nhân tạo, được thiết kế đặc biệt để chịu được nắng gắt, nước biển xói mòn và bão mạnh. Theo tờ SCMP, đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, cũng đồng thời đứng vị trí thứ 6 trong top những cây cầu dài nhất hành tinh.

Một điểm đặc biệt của công trình là việc sử dụng 20.000m2 ván tre trên các đảo nhân tạo, đây là minh chứng cho độ bền của nguyên vật liệu tự nhiên khi có thể chống chịu được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và môi trường.
Để khắc phục nhược điểm của tre dễ gây mục ruỗng, các chuyên gia đã áp dụng phương pháp xử lý nhiệt. Phương pháp này giúp loại bỏ các thành phần dễ mục mà vẫn giữ được độ kiên cố của cấu trúc, cho phép các ván tre chịu được điều kiện ngoài trời trong ít nhất 5 năm mà không gặp vấn đề ẩm mốc.
Khu vực xây dựng cầu nằm trong vùng có từ 27 đến 28 cơn bão hình thành hàng năm, đòi hỏi sức chịu bão cực lớn. Công trình đã được thông xe từ năm 2018, đi vào hoạt động hơn 6 năm qua và vẫn tồn tại vững chắc trước thử thách của thời tiết khắc nghiệt.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp tre hàng đầu với hơn 4,22 tỷ sào tre sản xuất trong năm 2022, cùng tổng sản lượng công nghiệp đạt 74,2 tỷ USD năm 2023. Là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực trồng và khai thác tre, Trung Quốc đang tích cực tích hợp vật liệu bền vững này vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Sản phẩm từ tre thân thiện với môi trường và phân hủy sinh học đang ngày càng thịnh hành. Ứng dụng của tre mở rộng từ xây dựng, đường ống, nội thất đến trang trí nhờ tính bền bỉ và nguồn cung dồi dào. Hơn nữa, hàng nghìn sản phẩm dựa trên tre như khăn đan, vải sợi và sản phẩm than tre cũng ra đời. Với hơn 6,67 triệu ha rừng tre, Trung Quốc không chỉ tối đa hóa nguồn tài nguyên này khi sản lượng sào tre đã tăng hơn 7 lần trong 25 năm qua mà còn tiên phong ứng dụng tre trong nhiều ngành công nghiệp đa dạng.
>> Hai tháng nữa, cây cầu vượt biển dài nhất miền Trung sẽ chính thức hợp long
Hà Nội trình chủ trương đầu tư cây cầu gần 16.000 tỷ, kết nối ba quận của thành phố
Cận cảnh cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua con sông biểu tượng của tỉnh Nam Định sắp hoàn thành