Đây là một trong những dự án trọng điểm, dự kiến khởi công vào năm 2025 để chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Văn phòng UBND TP. HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch triển khai dự án vành đai 4 TP. HCM, cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4.
Theo đó, TP. HCM sẽ vận dụng nghị quyết 98 đẩy nhanh thủ tục đầu tư, sớm khởi công cầu Thủ Thiêm 4.
Để đẩy nhanh tiến độ và đạt được mục tiêu phấn đấu khởi công xây dựng dự án vào ngày 30/4/2025 - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Mãi giao Sở Giao thông vận tải TP. HCM phối hợp với các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát kỹ phương án thiết kế để đảm bảo chuẩn xác về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, lộ giới, phương án kết nối giao thông hai bên đầu cầu nhằm tránh việc thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và phía Nam TP. HCM đang được Hội đồng thẩm định thành phố thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến dự án sẽ được trình HĐND TP. HCM quyết định chủ trương vào quý II/2024.
>> Hà Nội chuẩn bị ‘bấm nút’ khởi công cây cầu gần 10.000 tỷ
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được TP xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Sơ bộ tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó vốn ngân sách góp khoảng 49,5%, còn lại là vốn của nhà đầu tư.
Về tiến độ, sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư, công trình dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án 18 năm 8 tháng.
Cầu Thủ Thiêm 4 sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với quận 7 nói riêng và cả khu vực phía Đông TP. HCM với phía Nam thành phố nói chung. Dự án sẽ giải quyết tình trạng quá tải của các tuyến đường hiện hữu bên phía quận 7, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thi hai bờ sông Sài Gòn.
Về phương án thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có chiều dài toàn tuyến khoảng 2,16km, trong đó phần cầu dài hơn 1,6km. Đặc biệt, cầu có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m giúp các tàu lớn như tàu khách quốc tế lưu thông trên sông Sài Gòn để vào trung tâm thành phố.
Đây là thiết kế được cho là chưa từng có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, những nhịp cầu cố định của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giữ nguyên với tĩnh không cầu là 15m.
Việc tính toán tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đã được các doanh nghiệp, công ty du lịch và TP. HCM đặc biệt quan tâm. Đối với tĩnh không cầu không đảm bảo như cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm (10m) đã gây tác động không nhỏ đến việc tàu du lịch hoạt động trên sông Sài Gòn. Nhiều công ty du lịch ở TP. HCM phải băn khoăn đóng tàu khi TP. HCM có phương án xây thêm cầu mới.
Cầu Thủ Thiêm 4 khi hoàn thành với kiến trúc độc đáo, hài hòa sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch, tạo thuận lợi khai thác bến tàu khách quốc tế tại khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Đồng thời, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới phía Nam TP; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP. HCM.
Được biết, bán đảo Thủ Thiêm sở hữu mảnh đất bên sông hiếm hoi giữa trung tâm TP. HCM. Vùng đất này hiện đang bứt phá, trở thành trung tâm mới sầm uất thịnh vượng giữa lòng "hòn ngọc Viễn Đông".
Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố và là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí.
Bán đảo Thủ Thiêm hiện được quy hoạch hoàn chỉnh với hạ tầng giao thông được đầu tư trọng điểm. Có 4 tuyến đường chính: đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía nam.
Dù chỉ cách trung tâm thành phố một con sông nhưng Thủ Thiêm suốt nhiều năm chưa thể phát triển xứng tầm. "Cầu mở tới đâu, kinh tế phát triển theo tới đó", Thủ Thiêm phát triển cũng là cơ hội để mở rộng vùng lõi đô thị hiện hữu, hiện thực hóa dần chủ trương giãn dân, giảm áp lực vùng nội đô TP. HCM.
>> Cầu dây văng lớn nhất TP. HCM sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025?