Cây cầu "nửa nổi, nửa chìm" này cũng chính là đường biên giới độc nhất vô nhị trên thế giới giữa Đan Mạch và Thụy Điển.
Cầu Øresund, kết nối thủ đô Copenhagen của Đan Mạch và thành phố Malmo của Thụy Điển, là một tác phẩm kiến trúc độc đáo được tạo ra bởi các kiến trúc sư tài ba. Điểm đặc biệt của Øresund là sự kết hợp giữa một cây cầu treo dài 8km và một đường hầm dưới biển dài 4km. Vì vậy, khi nhìn từ trên cao, cây cầu giống như bất ngờ biến mất giữa đại dương.
Øresund được thiết kế bởi kiến trúc sư George K.S. Rotne, thuộc công ty COWI của Đan Mạch, đây được coi một cây cầu vĩ đại, một kiệt tác kiến trúc phi thường của con người. Vì nó chạy qua eo biển thuộc cả Đan Mạch và Thụy Điển, cây cầu được quản lý bởi cả hai quốc gia, mọi du khách đi qua đây đều phải trả phí.
Các thiết kế trên cầu được hoàn thiện trên đất liền và sau đó được đưa ra biển bằng hệ thống cần cẩu nổi rất lớn. Chỉ có các cột trụ được xây dựng tại chỗ với hệ thống dây văng kéo dài 490m trên cầu.
Đảo nhân tạo Peberholm là điểm trung chuyển giữa cầu và đường hầm. Nguyên liệu để xây dựng điểm trung chuyển này được đào từ lòng đại dương. Riêng 4km đường hầm được xây dựng từ xi măng trên đất liền, sau đó được hạ xuống một khe hở lớn trước khi được đặt dưới biển. Hòn đảo còn nổi tiếng với sự đa dạng của hệ sinh thái, bao gồm hơn 500 loài cây khác nhau và là nơi sinh sống và sinh sản của nhiều loài chim và cóc xanh.
Øresund có 4 làn xe trên đường bộ và đường đặc biệt dành cho tàu hỏa. Khoảng 2/3 số hành khách chọn tàu hỏa để di chuyển trên đoạn đường này với thời gian chỉ khoảng 35 phút. Con đường này đã giúp khoảng 3,7 triệu người có thể di chuyển và làm việc dễ dàng giữa hai quốc gia.
Cây cầu này cũng chính là đường biên giới độc nhất vô nhị trên thế giới giữa Đan Mạch và Thụy Điển.
Việc xây dựng cầu và hệ thống đường hầm bắt đầu từ năm 1995 và vào ngày 1/7/2000, cây cầu được thông xe đón những vị khách đầu tiên. Từ đó, Øresund đã trở thành biểu tượng ngoại giao của cả Đan Mạch và Thụy Điển.