Cây cầu 'trăm tuổi' đầu tiên vượt sông Sài Gòn: Trụ bọc đá nguyên khối, có nhịp quay 90 độ cho tàu thuyền qua lại, được đề xuất xếp hạng Di tích và lên phương án bảo tồn
Cây cầu có giá trị lớn cả về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, là nơi ghi dấu bao sự kiện thăng trầm của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Ngày nay, ngồi xe qua cầu Bình Lợi mới, người ta vẫn còn thấy tàn tích của một cây cầu xưa cũ với dấu hoen gỉ theo thời gian. Đó chính là cầu Bình Lợi - cây cầu huyền thoại vượt sông Sài Gòn.
Trong Hồi ký xứ Đông Dương, toàn quyền Paul Doumer ghi từ năm 1897 có những sự kiện rất quan trọng với hệ thống giao thông Việt Nam. Dấu mốc thời gian 3 cây cầu lớn cùng được quyết định xây dựng là cầu Long Biên (ban đầu đặt tên Paul Doumer) ở Hà Nội, cầu Tràng Tiền (hồi đầu đặt tên vua Thành Thái) và cầu Bình Lợi ở Sài Gòn.
Như vậy, nếu tính từ thời gian đào hố móng, xây trụ và nối những nhịp cầu đầu tiên thì cầu Bình Lợi đã trải qua 3 thế kỷ và chính thức được khánh thành vào tháng 1/1902, tức trước cả thời điểm thông xe cầu Long Biên đúng một tháng...
Cầu Bình Lợi cũ thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, kết nối Sài Gòn với miền Đông, miền Trung và các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Hồi ký toàn quyền Paul Doumer cũng ghi rõ việc xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn được thực hiện bởi nhà thầu Levallois - Perret (tên của Công ty Eiffel do Gustav Eiffel, kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập). Trong quá trình thi công đã thay đổi bản thiết kế ban đầu của cầu Bình Lợi: phải gia cố móng, dầm cầu để chịu được tải trọng đoàn xe lửa khổng lồ. Có những trụ cầu được bọc đá nguyên khối, cắm sâu tới 31m kể từ đáy sông.
Công nghệ xây dựng Bình Lợi tương tự cầu Long Biên với tổng công trình sư, đốc công người Pháp, còn thợ thuyền làm việc chủ yếu do người Việt đảm nhiệm. Những người thợ khỏe mạnh và can đảm ngồi vào caisson (một dạng thùng kín bằng kim loại) được cung cấp khí thở để đào móng trụ. Việc cực nhọc và nguy hiểm nhất của công trình, mỗi ca làm việc của họ chỉ khoảng 4 giờ.
Toàn bộ thép được chở từ Pháp sang. Khi khánh thành, cầu dài 276m với 6 nhịp được làm bằng kim loại. Tuy nhiên, khác cầu Long Biên có độ tĩnh không cao, Bình Lợi được thiết kế theo kiểu cầu quay một nhịp dài 40m ở giữa, do độ tĩnh không của cầu Bình Lợi thấp trong khi nước sông Sài Gòn lại thường xuyên dâng cao theo triều. Đặc biệt là nửa đầu thế kỷ 20, nhiều tàu ghe buồm vẫn lưu thông trên sông này với những cây cột rất cao có thể vướng cầu.
Cầu có nhịp quay phía bờ Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Đây là nét đặc trưng của cây cầu này. Nếu cầu quay (cầu Khánh Hội ngày nay), cầu Tam Bạc (Hải Phòng) có nhịp quay ở giữa độ cho tàu thuyền qua lại 2 bên thì cầu Bình Lợi quay ở phía bờ, có lẽ do lòng sông ở phía bờ Thủ Đức sâu hơn. Trải qua hơn 1 thế kỷ, hệ thống quay vuông góc 90 độ của nhịp cầu hầu như còn nguyên vẹn các bộ phận.
Cầu Bình Lợi ban đầu chỉ cho lưu thông một chiều. Bên này lưu thông thì bên kia phải đợi. Khi con nước lên, cầu quay cho tàu thuyền qua lại, mọi hoạt động giao thông ở hai đầu cầu dừng lại.
Do thời gian tồn tại hơn trăm năm, cầu đường sắt Bình Lợi đã xuống cấp. Hơn thế do nhu cầu chuyên chở hàng hóa và vật liệu xây dựng với khối lượng lớn nên các tàu nhiều lần va đập và mắc kẹt tại cầu Bình Lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cầu.
Đặc biệt là từ khi cầu Bình Lợi mới được xây dựng thì cầu đường sắt Bình Lợi cũ đã hết công năng. Năm 2020, cầu được tiến hành tháo dỡ, tuy nhiên hai nhịp cầu sắt cũ và tháp canh cầu phía bờ Thủ Đức được giữ lại để bảo tồn nguyên trạng. Hiện nay, cây cầu cũ được giữ lại như một chứng tích lịch sử, một giá trị văn hóa, kiến trúc cổ độc đáo.
Cầu hiện nằm trong danh mục kiểm kê Di tích trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2021-2025. Việc lập hồ sơ xếp hạng Di tích đối với công trình này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của cây cầu gắn với không gian sông nước, phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt Sài Gòn - TP HCM. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, việc bảo tồn và xếp hạng Di tích cầu đường sắt Bình Lợi - cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn góp phần nâng cao giá trị của Di tích trong các hoạt động phát triển chung của đô thị, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2020 mà thành phố đã lựa chọn.