CEO Nvidia cảnh báo: Mỹ đang ‘mất hẳn một mảng công nghiệp’, phải khôi phục năng lực sản xuất ngay lập tức
Việc Mỹ tái đầu tư vào ngành sản xuất công nghệ là “hoàn toàn đúng đắn”, theo ông Jensen Huang – Giám đốc điều hành Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Fareed Zakaria (CNN), CEO Nvidia Jensen Huang cho biết Mỹ cần khôi phục năng lực sản xuất – lĩnh vực mà nước này đã "gần như đánh mất hoàn toàn".
“Niềm đam mê, kỹ năng và tinh thần chế tạo – đó là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và một xã hội ổn định. Chúng ta cần một hệ sinh thái nơi người dân có thể tạo dựng sự nghiệp và cuộc sống tốt đẹp mà không cần tới bằng tiến sĩ vật lý”, ông nói.

Gần đây, chính quyền Trump đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm hồi sinh ngành sản xuất, bao gồm cả áp thuế diện rộng – nhằm thúc đẩy các lĩnh vực như ô tô, năng lượng và công nghệ cao.
“Ông Trump từng tuyên bố Mỹ không thể phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất các công nghệ thiết yếu như chip bán dẫn, smartphone hay laptop”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh hồi tháng 4 sau khi tạm dừng áp thuế với một số thiết bị điện tử.
Theo Huang, việc đưa sản xuất về lại Mỹ không chỉ củng cố nền kinh tế trong nước mà còn giúp giảm áp lực lên Đài Loan – nơi đặt trụ sở của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 3, ông Trump cũng tuyên bố TSMC sẽ đầu tư ít nhất 100 tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ.
“Xây dựng một hệ sinh thái sản xuất và công nghiệp phong phú ngay tại Mỹ là lựa chọn thông minh – vừa phát triển nội lực, vừa giảm sự phụ thuộc đơn độc vào nước ngoài”, ông Huang nhận định.
Tác động của AI tới việc làm
Sự bùng nổ đầu tư vào AI trong những năm gần đây đã đặt ra lo ngại về nguy cơ mất việc làm trong tương lai. Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 1, có tới 41% nhà tuyển dụng cho biết sẽ cắt giảm nhân sự trước năm 2030 vì tự động hóa AI.
Tuy vậy, ông Huang lại có cái nhìn lạc quan hơn. Ông cho biết công nghệ của Nvidia đang cung cấp năng lực tính toán cho các trung tâm dữ liệu của Microsoft, Amazon và Google để vận hành AI và các dịch vụ đám mây.
“Tất cả các công việc sẽ bị ảnh hưởng. Một số sẽ biến mất, nhưng nhiều công việc mới sẽ được tạo ra. Tôi hy vọng năng suất tăng nhờ AI sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội", ông nói.
Tại Nvidia, toàn bộ kỹ sư phần mềm và kỹ sư thiết kế chip đều dùng AI. “Tôi còn khuyến khích đến mức gần như bắt buộc”, Huang chia sẻ.
Vấn đề đạo đức và rủi ro từ AI
Các nền tảng AI như ChatGPT hay Grok (do Elon Musk phát triển) gần đây liên tục dính tranh cãi, đặc biệt là liên quan tới phát ngôn và thông tin sai lệch.
Tuần trước, chatbot Grok đã tạo ra nhiều bài viết mang tính bài Do Thái sau khi được điều chỉnh để phản hồi “thiếu chính trị đúng đắn” hơn. Theo công ty xAI của Musk, lỗi này bắt nguồn từ một đoạn mã lỗi thời khiến Grok bị ảnh hưởng bởi các nội dung cực đoan trên mạng xã hội X.
Ông Huang cho rằng Grok còn “non trẻ” nhưng Musk đã đạt được nhiều tiến bộ chỉ sau 18 tháng phát triển. Ông nhấn mạnh quá trình tinh chỉnh và xây dựng các rào chắn đạo đức cho AI là điều cần thời gian.
Bên cạnh đó, các mô hình AI cũng bị lo ngại về “ảo giác” – tức tạo ra thông tin sai. Một số chuyên gia cảnh báo về nguy cơ AI trở nên mất kiểm soát.
Tuy nhiên, Huang cho rằng sự lo sợ này phần lớn đến từ việc công chúng chưa hiểu rõ cách các hệ thống AI kết nối để đảm bảo an toàn. Ông giải thích rằng hầu hết AI hiện nay đều sử dụng các công cụ AI khác để kiểm chứng thông tin và cung cấp dữ liệu đáng tin cậy. Ông kêu gọi cần thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn AI.
“AI sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực áp đảo. Sẽ có thiệt hại, nhưng thế giới cần chủ động kiểm soát và hành động kịp thời”, ông nhấn mạnh.
Ông Huang tin rằng AI có thể góp phần chữa khỏi bệnh tật bằng cách học và hiểu sâu hơn về protein, hóa chất – cách chúng tương tác, tương tự quá trình phát triển thuốc nhưng phức tạp hơn do dữ liệu yêu cầu lớn hơn nhiều so với ngôn ngữ.
“Không chỉ giúp tăng tốc khám phá thuốc, AI còn nâng cao hiểu biết về cơ chế bệnh. Trong tương lai, chúng ta sẽ có những trợ lý ảo là nhà khoa học để hỗ trợ việc chữa lành mọi căn bệnh. Tôi tin ngày đó sẽ đến”, ông nói.
Ngoài y tế, AI còn sẽ hiện diện trong các ứng dụng vật lý thực tế. Các mô hình như Veo 3 của Google đã có thể tạo ra video mô phỏng hành động. Bước tiếp theo là phát triển robot thực hiện các hành vi đó, như cầm ly nước – tức là mô hình “thị giác – ngôn ngữ – hành động” (VLA), khác với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) hiện tại.
“Công nghệ này đã tồn tại và đang hoạt động. Trong 3–5 năm tới, nó sẽ hiện diện ở khắp nơi”, ông Huang dự đoán.
Theo CNN
>> Chấm dứt ‘đua phá giá’: Trung Quốc phát tín hiệu mạnh tay sau 33 tháng giảm phát
CEO Nvidia Jensen Huang nhận thư cảnh báo vì tới thăm Trung Quốc
Chưa từng có trong lịch sử: Nvidia lập kỷ lục vốn hóa 4.000 tỷ USD nhờ nhu cầu chip bùng nổ