Các nhà chức trách kêu gọi nhà đầu tư của Zhongzhi “tích cực hợp tác với các cuộc điều tra của cảnh sát, bảo vệ và quyền lợi ích của họ qua các kênh hợp pháp”.
Theo Bloomberg, Chính quyền Trung Quốc cho biết gần đây họ đã mở cuộc điều tra hình sự đối với hoạt động kinh doanh quản lý tài sản của Zhongzhi Enterprise Group. Chỉ vài ngày sau khi "gã khổng lồ" ngân hàng ngầm (shadow bank) này tiết lộ sự thiếu hụt tiềm ẩn giữa tổng tài sản có và tổng tài sản nợ lên tới 37 tỷ USD.
Cảnh sát Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố trên WeChat rằng họ đã thực hiện “các biện pháp hình sự bắt buộc” đối với nhiều nghi phạm. Theo luật tố tụng của Trung Quốc, các biện pháp bắt buộc hoặc cưỡng chế có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm triệu tập, tại ngoại và giám sát nơi cư trú, giam giữ và bắt giữ. Các biện pháp này có thể được thực thi bởi cảnh sát, tòa án hoặc công tố viên.
Các nhà chức trách ngày 25/11 đã kêu gọi các nhà đầu tư của Zhongzhi “tích cực hợp tác với các cuộc điều tra của cảnh sát và bảo vệ quyền và lợi ích của chính họ thông qua các kênh hợp pháp”. Điều này góp phần giành lại số tiền thu được từ các hành vi bất hợp pháp và bù đắp những tổn thất của họ.
Ngân hàng ngầm thành lập từ một...doanh nghiệp gỗ
Được thành lập vào năm 1995 với danh nghĩa là một doanh nghiệp kinh doanh gỗ, Zhongzhi Enterprise Group Co. đã trở thành một tập đoàn tài chính quản lý hơn 1 nghìn tỷ NDT (138 tỷ USD). Tập đoàn "kín tiếng" này thường được truyền thông địa phương gọi là "Blackstone của Trung Quốc".
Zhongzhi Enterprise chính là một thành phần tại thị trường ngân hàng ngầm (shadow banking) có quy mô lên tới 2.900 tỷ USD của Trung Quốc. Shadow banking là tập hợp các định chế tài chính và thị trường thực hiện chức năng của ngân hàng truyền thống, nhưng nằm ngoài phạm vi giám sát của các cơ quan chức năng.
Những tổ chức này thường được gọi là những công ty tài chính phi ngân hàng (NBFCs), có thể bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, hay các tổ chức cho vay tín chấp…
Zhongrong là đơn vị thuộc Top 10 doanh nghiệp tín thác tại Trung Quốc, nhưng định chế lại được quản lý rất lỏng lẻo dù mô hình kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro. Được biết, doanh nghiệp là nơi nhận tiền gửi từ các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để tiến hành đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và thị trường hàng hóa.. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện hoạt động cho vay đối với các khách hàng không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng truyền thống.
Zhongrong là đơn vị thuộc Top 10 doanh nghiệp tín thác tại Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg |
Trong những năm gần đây, ngay cả khi các quỹ tín thác đối thủ giảm thiểu rủi ro, Zhongzhi và các chi nhánh, đặc biệt là Zhongrong International Trust Co., vẫn mở rộng tài trợ cho các nhà phát triển đang gặp khó khăn và thu mua tài sản từ các công ty, trong đó có China Evergrande.
Chỉ riêng ở Bắc Kinh, công ty sở hữu một tòa tháp văn phòng trị giá 3,3 tỷ NDT, một dự án được Shimao quản lý trị giá 1,7 tỷ NDT và một tòa nhà văn phòng từng là trụ sở của tập đoàn thuộc sở hữu của doanh nhân Jia Yueting.
Tập đoàn tài chính này bắt đầu lao dốc khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng và nhà sáng lập công ty ông Xie đột ngột qua đời năm 2021 vì đau tim. Người kế nhiệm ông là Liu Yang cho biết sẽ duy trì sự tập trung của công ty vào mảng quản lý tài sản và công nghiệp. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế cùng sự sụp đổ của hàng loạt nhà phát triển bất động sản đình đám cũng đã ảnh hưởng đến công ty.
Mới đây, Bắc Kinh đã thành lập một lực lượng đặt biệt để theo dõi rủi ro "lây lan" của trường hợp này. Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng vào cuộc. Zhongzhi là một trong số những công ty quản lý tài sản tư nhân cuối cùng mà Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát để giảm thiểu rủi ro. Được biết, hàng trăm nghìn khách hàng của công ty này đã mua những sản phẩm tài chính với lãi suất cao vì cho rằng chúng an toàn.
Tập đoàn Zhongzhi Enterprise được cho là đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể không có khả năng trả các khoản nợ và tổng các khoản phải trả được tính toán vào khoảng 420 tỷ đến 460 tỷ Nhân dân tệ (59-65 tỷ USD).
“Kết quả kiểm toán sơ bộ cho thấy tập đoàn đứng trước rủi ro rất lớn, không có đủ tài sản để chi trả nợ trong ngắn hạn. Các nỗ lực tự giải cứu đã thất bại”. Nhà quản lý tài sản cho biết tính thanh khoản đã cạn kiệt và số tiền thu hồi được từ việc thanh lý tài sản dự kiến sẽ thấp, theo một lá thư gửi cho các nhà đầu tư vào ngày 22/11. Zhongzhi đã thuê KPMG kiểm toán để chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc nợ.
Tập đoàn tài chính lớn nhất nhì Trung Quốc bị điều tra, số phận tương tự Evergrande?