Thông thường, lãi suất vay mua nhà được tính theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-5%. Như vậy, khi lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay mua nhà thời gian tới khó ở dưới 10%/năm.
Chạy đua tăng lãi suất huy động
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái tăng lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động kịch trần biên độ cho phép các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Hàng loạt ngân hàng đều đã tăng lãi suất huy động lên cao trên 8% đối với các kỳ hạn dài, và mức cao nhất chỉ lên trên 9%. Thế nhưng mới đây, thậm chí ở một số kỳ hạn nay đã xuất hiện mức lãi suất 10-11%/năm.
Không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ, nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn như Techcombank, VPBank cũng liên tục tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,5%-1% trong kỳ điều chỉnh gần nhất.
Đặc biệt, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm BIDV, VietinBank, Agribank và Vietcombank cũng không đứng ngoài cuộc đua lãi suất huy động.
Chật vật vì lãi vay tăng chóng mặt
Chi phí vốn đầu vào tại các ngân hàng trở nên đắt đỏ hơn đã đẩy chi phí lãi vay bật lên mức cao mới, gây không ít khó khăn cho người vay tiền.
Do vậy, lãi suất cho vay, cũng tăng khoảng 1-2%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà và vay mua ô tô.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều áp dụng chu kỳ điều chỉnh lãi suất theo công thức “3-6-9”, có nghĩa sẽ điều chỉnh theo lãi suất thị trường sau mỗi kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng tuỳ theo nội dung hợp đồng ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Với xu hướng tăng lãi suất như hiện nay, không chỉ khách vay mua nhà, khách vay mua ô tô cũng đang ngồi trên đống lửa.
Theo khảo sát, lãi suất vay tín chấp ngân hàng ưu đãi khoảng từ 10 - 16%/năm. Khi hết ưu đãi, mức lãi suất sẽ lên đến 16 - 25%/năm. Lãi suất vay mua nhà và lãi suất cho vay mua ô tô đã vượt 10%/năm tại một số ngân hàng.
Mức lãi suất vay cũng tăng chóng mặt ở khu vực khách hàng cá nhân. Hiện lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân có tài sản thế chấp đã tăng từ 9 - 9,5%/năm lên 11,5 - 13%/năm tại nhà băng tư nhân và khoảng 11,5 - 12%/năm tại khối ngân hàng có vốn nhà nước. Mức lãi suất tín chấp lên đến 16 - 25%/năm.
Cụ thể, tại VPBank, đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân, lãi suất cơ sở thấp nhất là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn 1 tháng (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) và cao nhất là 10,6%/năm dành cho kỳ hạn trên 5 năm đến 10 năm (kỳ điều chỉnh lãi 3 tháng).
Tại TPBank, lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng đang niêm yết ở mức 9,1%, kỳ hạn 3 tháng ở mức 10,1%, các khoản vay 6 tháng đến dưới 1 năm lãi suất cơ sở là 10,2%, kỳ hạn trên 1 năm lãi suất cơ sở đang được niêm yết 10,6%.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng niêm yết biểu lãi suất cơ sở cho vay mới như ACB hiện ở mức 8%/năm; SeABank 9,6%; Eximbank hiện đang dao động trong khoảng 7,8-9,9%; ABBank ghi nhận lãi suất cơ sở cho vay khách hàng ở mức 9,8%/năm; Sacombank hiện đang dao động trong khoảng 6%-8,3%/năm tùy kỳ hạn.
Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3%-4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi tăng mạnh nhưng khó vay
Lãi suất tăng đương nhiên các khách hàng đang có nhu cầu vay mua nhà, mua xe sẽ phải suy nghĩ lại.
Tuy nhiên, ngay cả khi khách hàng muốn vay để mua cũng không dễ do hạn mức tín dụng (room tín dụng) từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay, đặc biệt là khoản vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe.... Đồng thời ngân hàng cũng phải chọn lọc khách hàng kỹ hơn đối với khoản vay mới.
Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đang tập trung thu hồi số vốn đã cho vay để giảm dư nợ và tạo dư địa cho vay mới.
Thế nhưng, do nhu cầu vay vốn cuối năm tăng cao nên không ít ngân hàng hạn chế đầu ra bằng cách tăng lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, trong đó có cho vay tiêu dùng.
"Bia kèm lạc"...
Lãi suất tăng mạnh, song không phải ngân hàng nào cũng thoải mái giải ngân.
Theo phản ánh của một số khách hàng, tại một số ngân hàng, khách hàng phải đồng ý “bia kèm lạc”, tức mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân, nếu không, nhân viên tín dụng có thể gợi ý khách hàng trả phí khoảng 2% để được giải ngân.
Như vậy, người đi vay không chỉ chịu lãi suất cao mà còn phải gánh thêm nhiều khoản chi phí khác.
Nhiều doanh nghiệp tính toán từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã tăng trung bình 2%-4,5%/năm tùy ngân hàng. Không chỉ lãi suất tăng mạnh, để vay được vốn khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ và nhiều chính sách kiểu “bia kèm lạc” khác.
Dưới góc độ pháp lý, một số chuyên gia nhìn nhận, dù dự thảo Luật đã nêu là khá rõ ràng, không chỉ là mặt hàng ô tô xe máy mà còn tất cả các mặt hàng khác của thị trường, nhưng trên thực tế sẽ khó tránh khỏi tồn tại "bán bia kèm lạc" bởi không phải mặt hàng mua thêm nào cũng có trong "hợp đồng giao kết" như dự thảo Luật nêu.
Còn nếu chỉ là thoả thuận tự nguyện qua "miệng", không có trong hợp đồng thì rất khó có cơ sở để xử phạt.
Khi những hiện tượng này khởi phát từ năm 2021, Bộ Tài chính đã đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc yêu cầu xử lý nghiêm hiện tượng này và sẽ đưa hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hằng năm. Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Doanh nghiệp khốn khổ vì thiếu vốn
Lãi suất cho vay tăng lên 13 - 15% là điều đã được dự báo khi lãi suất huy động tiền gửi hiện nay đã xuất hiện mức 10 - 11%/năm.
Đáng nói là mức lãi suất huy động mới này cũng được tính toán cho các hợp đồng vay cũ. Thường những hợp đồng vay dài hạn từ 1 năm trở lên thì khoảng 3 - 6 tháng ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất 1 lần.
Mức lãi suất vay này căn cứ theo lãi suất cơ sở hoặc lãi suất huy động tiết kiệm có kỳ hạn 12 hay 13 tháng cộng với biên độ từ 3 - 5% tùy ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất huy động của những kỳ hạn khác ở mức thấp.
Một số chuyên gia thì cho rằng lãi vay tăng cao khiến doanh nghiệp càng khó khăn, nhưng vấn đề đáng lo ngại hơn là thị trường vốn đang bị thiếu thanh khoản trầm trọng.
Các kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế như trái phiếu , chứng khoán, tín dụng đều kẹt cứng, doanh nghiệp không biết xoay xở thế nào.
Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần phải tính toán để tránh tình trạng nhiều công ty rơi vào nghịch lý “chết trên đống tài sản” chỉ vì không có vốn để hoạt động.
Với bất động sản, theo các chuyên gia, thanh khoản thị trường thời gian tới vẫn sẽ thấp do doanh nghiệp bất động sản khát vốn, nhà đầu tư thận trọng.
Thị trường bất động sản cũng có sự phân hóa rõ nét: phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (nhất là căn hộ) vẫn tăng giá do khan hiếm nguồn cung, trong khi bất động sản đầu cơ đang giảm giá khá mạnh. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng đã phải giảm giá cắt lỗ bất động sản, bởi không chịu nổi gánh nặng lãi vay.
Việc giảm lãi suất cho vay gặp không ít thách thức
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho rằng việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với bốn nguyên do chính.
Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Thứ hai, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.
Thứ ba, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Thứ tư, tỉ giá USD/VND có xu hướng tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay các TCTD vẫn đi theo chỉ đạo của NHNN là cố gắng giữ mặt bằng lãi suất cho vay.
Do vậy, lãi suất cho vay có thể điều chỉnh nhưng tốc độ phù hợp và mặt bằng lãi suất cho vay không thể tăng vượt lãi suất huy động. Các ngân hàng sẽ đảm bảo giữ được mặt bằng lãi suất chung mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được.
Nhanh chóng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng mạnh, NHNN cần nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay.
NHNN cho biết, 6/44 ngân hàng đã phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, song dư nợ còn thấp, mới đạt khoảng 14-15 tỷ đồng với gần 600 khách hàng được tiếp cận.
NHNN đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022 và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, cùng khả năng hỗ trợ dự kiến…
"Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp là người được hưởng, song các ngân hàng thương mại phản ánh, doanh nghiệp không hào hứng do ngại thanh, kiểm tra.
NHNN sẽ tổ chức hội nghị để tiếp tục lắng nghe xem doanh nghiệp vướng mắc ở đâu và điều chỉnh. Đến thời điểm này, dư nợ hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt 14-15 tỷ đồng (trong tổng gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng) là rất thấp ", Phó thống đốc NHNN, Phạm Tiến Dũng chia sẻ.