Chỉ 5 tháng nữa, đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị mới dài gần 90km
Theo quyết định từ UBND TP. Hà Nội, tháng 10, địa phương sẽ khởi công hai tuyến mới gồm tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc).
UBND TP. Hà Nội mới đây ban hành Quyết định số 2613/QĐ-UBND ngày 24/5/2025 nhằm triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Theo kế hoạch kèm theo Quyết định, thành phố xác định mục tiêu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.
Kế hoạch gồm 7 nhóm nội dung trọng tâm, nổi bật là công tác xây dựng văn bản quy phạm, quy hoạch mạng lưới đường sắt theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và chuẩn bị cho các dự án đầu tư lớn trong giai đoạn 2026-2045.

Về xây dựng thể chế, Hà Nội sẽ kiện toàn tổ công tác liên ngành, đồng thời ban hành hướng dẫn, quy định chi tiết về lựa chọn tuyến, vị trí công trình, cơ chế chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp đường sắt đô thị.
Trong công tác quy hoạch, thành phố sẽ rà soát quỹ đất dọc các tuyến đường sắt, cập nhật các khu vực TOD, tích hợp vào các đồ án điều chỉnh quy hoạch giao thông và điện lực để đảm bảo quỹ đất và hạ tầng năng lượng phục vụ các dự án.
>> Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ muốn làm dự án nhà ở xã hội tại tỉnh giàu bậc nhất Việt Nam
Về triển khai dự án, UBND TP. Hà Nội yêu cầu xây dựng phương án huy động vốn trung hạn cho các giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035. Ngân sách địa phương sẽ được sử dụng linh hoạt để tạm ứng chi phí chuẩn bị cho các thủ tục ký kết hiệp định vay vốn ODA.
Đồng thời, thành phố sẽ bố trí vốn đầu tư công cho một số hạng mục trước khi có quyết định đầu tư chính thức, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Về tiến độ, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành đoạn ngầm và đưa vào vận hành toàn tuyến Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2027. Trong tháng 10/2025, sẽ khởi công hai tuyến mới gồm tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc).
Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội dự kiến triển khai tiếp các đoạn tuyến số 3 (ga Hà Nội - Yên Sở), tuyến số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nam Thăng Long - Nội Bài) cùng tuyến 2A kéo dài đến Xuân Mai. Các giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai các tuyến theo quy hoạch tổng thể đến năm 2045.
UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương có dự án đi qua khẩn trương sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện kế hoạch với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội được giao làm cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm theo dõi và đôn đốc toàn bộ quá trình triển khai.
Được biết, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do điều chỉnh thiết kế, đặc biệt liên quan đến khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, dự án đã bị đình trệ trong thời gian dài. Sau 17 năm, Hà Nội đang quyết tâm khởi công trong năm nay, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án có tổng chiều dài 11,5km với tổng mức đầu tư hơn 35.500 tỷ đồng. Trong đó, 8,9km đi trên cao và 2,6km đi ngầm với 10 đoàn tàu được vận hành.
Tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là một phần quan trọng trong tổng thể tuyến đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội, với tổng chiều dài dự kiến 47,3km
Tuyến metro số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa với chiều dài 38,43km (6,5km đi ngầm; 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.
Tuyến metro này đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.