Năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, 19% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo.
Chiều 8/10, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số đơn vị tổ chức hội thảo với chủ đề: "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0".
Tình trạng người trẻ thất nghiệp đang tăng cao
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đưa ra bức tranh toàn cảnh về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Theo chuyên gia này, ngày nay tình trạng người trẻ thất nghiệp trên thế giới tiếp tục ở mức cao, nhất là tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên thất nghiệp chiếm 30,8%.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình trạng này xảy ra là sinh viên chọn nhầm nghề và thiếu kỹ năng mềm.
Với góc nhìn này, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cũng nhận xét, việc hướng nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua công tác hướng nghiệp đang là khoảng trống mênh mông.
Chuyên gia này phân tích, nếu chọn đúng ngành yêu thích, các em phát huy được năng lực nhưng chọn sai ngành hết sức nguy hại không chỉ cho sinh viên mà cho cả xã hội vì dẫn đến tình trạng nhân lực thừa hoặc thiếu.
Đấy cũng là lý do vì sao sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều trong khi thị trường lao động không có.
Muốn hướng nghiệp được thì phải nắm được số liệu, căn cứ vào thực tiễn chứ không phải áp đặt ý kiến chủ quan của bố hoặc mẹ", PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nói.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng, hướng nghiệp thực sự phải gắn kết giữa gia đình - nhà trường - người học - người lao động - doanh nghiệp.
Công tác hướng nghiệp từ THPT giúp các em biết được sau 3 năm học sẽ chọn trường đại học nào phù hợp. Sau đó lên đại học là sự kết hợp hướng nghiệp với khởi nghiệp để tránh trường hợp sinh viên hiện nay mơ hồ không biết học để làm gì.
Chỉ có 56% sinh viên ra trường làm đúng ngành
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số liên quan đến ngành đào tạo là 25%; 19% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo.
Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho thấy: Trong quý II năm 2022, xu hướng tuyển dụng của Thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5% trong khi nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...
Từ các số liệu thống kê trên đây cho thấy, có sự khác nhau rõ ràng giữa thị trường lao động việc làm với hình dung của người lao động về mối liên hệ giữa trình độ đào tạo, vị trí làm việc, mức lương kỳ vọng và việc có tìm được công việc như mong muốn đang ở mức chênh lệch cao.
Theo ông Bùi Văn Linh, các con số thống kê đều cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.
Việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.
Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành "quả bom hẹn giờ" tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục phổ thông đã thực hiện các chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo về công tác hướng nghiệp, phân luồng… đã giúp người học đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực bản thân, từ đó có các quyết định phù hợp trong quá trình học lên cao và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ các bước giúp giới trẻ xác định hướng nghề nghiệp.
Liên quan đến công tác hướng nghiệp hiện nay, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực cho biết, trung tâm đang nỗ lực phối hợp các Sở Bộ Giáo dục & Đào tạo, các đại học, các chuyên gia trong toàn quốc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo kỹ năng toàn diện, giáo dục hướng nghiệp cho hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trong gần 55.000 cơ sở giáo dục, trong 250 trường đại học… Từ đó để chuẩn bị trước một bước đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở mỗi năm cả nước có từ 250-300 ngàn tân kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học.
Để lan tỏa các nội dung hữu ích về hỗ trợ hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp đến đa dạng các đối tượng học sinh, sinh viên, người đi làm, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố kênh TikTok "Hướng nghiệp suốt đời". Đây sẽ là kênh thông tin hữu ích giúp phụ huynh, giáo viên và nhà trường đồng hành cùng con trên hành trình học tập và hướng nghiệp.
Lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng
NVIDIA cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam, khoảng 50.000 việc làm sắp được tạo ra
Buôn Ma Thuột mời gọi nhân tài: Trợ cấp nửa tỷ, lương 50 triệu/tháng