Chỉ 7 tháng nữa, dòng sông ô nhiễm nhất Thủ đô được hứa hẹn 'hồi sinh'
Chính phủ đã giao TP. Hà Nội cùng 3 Bộ có liên quan vào cuộc ngay để "hồi sinh" dòng sông ô nhiễm nhất trên địa bàn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu TP. Hà Nội quyết định và thực hiện dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm và hồi sinh các dòng sông, trong đó đặc biệt là sông Tô Lịch được xem là vấn đề cấp bách, nhằm mang đến cảnh quan, văn hóa, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
>> Từ bây giờ, 9 trường hợp này sẽ bị xóa sổ hộ khẩu thường trú
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, trước mắt Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội cần triển khai ngay các dự án bổ cập nước sông Tô Lịch, đặc biệt khi 100% nước thải dọc theo sông Tô Lịch được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và nước sau thu gom, xử lý không được trả lại về sông Tô Lịch.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý việc chuyển nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch cần thực hiện đồng thời với việc rà soát các quy hoạch có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu gom toàn bộ nước thải dọc theo các sông, kiểm soát nước mưa cũng như chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan hai bên sông nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, văn hóa và môi trường.
Trong văn bản của Chính phủ nêu rõ, UBND TP. Hà Nội có đầy đủ thẩm quyền để quyết định và thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc cấp mình quản lý.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội quyết định và thực hiện dự án trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trong trường hợp áp dụng trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành hoàn thiện phương án kinh tế - kỹ thuật nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, tính bền vững của công trình, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công cũng như ngân sách của Nhà nước.
Đối với giải pháp và công nghệ, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu phương án lắng, lọc nước sông Hồng nhằm giảm lượng phù sa bồi lắng, sử dụng hiệu quả nguồn nước sau khi đã được xử lý, trong đó có phương án cấp nước trở lại sông Tô Lịch thay cho phương án chuyển ra sông Hồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu cần nghiên cứu đánh giá tác động, có giải pháp đảm bảo an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực lấy nước và dọc theo tuyến có công trình đi qua.
Các Bộ gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ Hà Nội sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đê điều, xây dựng, tài nguyên nước cũng như môi trường... thực hiện dự án nhằm đảm bảo mục tiêu và tiến độ đã đề ra.
Đối với phương án bổ cấp nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, trước đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Theo đó, TP. Hà Nội sẽ xây dựng trạm bơm công suất 3-5m3/s tại bãi sông Hồng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp, nhà quản lý vận hành. Nước từ trạm bơm, theo đường ống đi dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng (gầm cầu Nhật Tân, đường An Dương Vương).
Đối với đoạn xuyên qua đề dài 45m, TP. Hà Nội sẽ cho đào mở đê, xây dựng cống hộp và lắp đường ống bên trong cống hộp.
Ở trên tuyến Võ Chí Công sẽ bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước, đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.
TP. Hà Nội cũng dự kiến lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và Hồ Tây là 3,0m3/s; kích thước đường ống dẫn nước đường kính D1200 (bố trí 2 đường ống thép, 1 ống dự phòng có đường kính D1200 đặt trong hộp bằng bê tông cốt thép); dự kiến đặt 3 đập dâng tại vị trí Cống Mọc, cầu Dậu và vị trí trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.
Phía TP. Hà Nội đã cam kết sẽ hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.
Dòng sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 13,5km chảy qua các quận nội thành của Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Sông Tô Lịch là dòng sông được đánh giá ô nhiễm nặng nhất Thủ đô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống quanh khu vực.
>> Chỉ vài tháng nữa, đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ có thêm cầu gần 5.000 tỷ
Khu đô thị quy mô 1.800 người bên dòng sông huyền thoại tại tỉnh lớn nhất Việt Nam có động thái mới
Bộ TN&MT đề xuất phương án khác làm 'hồi sinh' dòng sông 2.000 năm tuổi