Chỉ mất 5 tệ để đội lốt hàng Đông Nam Á: Hàng Trung Quốc rầm rộ 'rửa xuất xứ’ né thuế 145%
Các nước láng giềng châu Á ngày càng cảnh giác nguy cơ bị lợi dụng làm "bàn đạp" trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc để né thuế Mỹ.
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đang đẩy mạnh việc ngụy trang nguồn gốc hàng hóa bằng cách trung chuyển qua nước thứ ba nhằm tránh bị áp thuế.
Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo chào mời dịch vụ “rửa xuất xứ”, giúp hàng hóa có thể mang nhãn mác của các nước khác trước khi được đưa vào thị trường Mỹ.

Việc ngày càng nhiều hàng Trung Quốc được chuyển qua các nước láng giềng khiến các quốc gia này lo ngại trở thành “trạm trung chuyển” trá hình, phục vụ cho mục đích lách thuế của Bắc Kinh.
“Thuế cao quá rồi”, Sarah Ou – nhân viên bán hàng của Baitai Lighting, một công ty xuất khẩu tại thành phố Trung Sơn (tỉnh Quảng Đông) – nói. “Nhưng nếu chúng tôi bán hàng cho các nước lân cận, rồi họ lại bán sang Mỹ thì mức thuế sẽ được giảm đi”.
Trung chuyển qua Malaysia, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ
Theo quy định của Mỹ, để một mặt hàng được công nhận có nguồn gốc từ một quốc gia nhất định và không bị áp thuế như hàng Trung Quốc, hàng hóa đó phải trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể, như chế biến hoặc gia công tạo ra giá trị gia tăng thực sự.
Tuy nhiên, các quảng cáo trên nền tảng Xiaohongshu lại công khai chào mời dịch vụ trung chuyển qua Malaysia để “biến hóa” hàng Trung Quốc thành hàng Đông Nam Á.
Một bài đăng từ tài khoản có tên “Ruby — Vận chuyển qua nước thứ ba” viết, “Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc? Trung chuyển qua Malaysia để ‘biến hình’ thành hàng Đông Nam Á!” hay
“Hạn chế sàn gỗ, đồ gia dụng Trung Quốc? ‘Rửa xuất xứ’ tại Malaysia để thông quan suôn sẻ!”
Khi được liên hệ, người đăng quảng cáo từ chối bình luận.
Hàng giả mạo tràn sang Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan siết chặt kiểm soát
Cơ quan hải quan Hàn Quốc tháng trước cho biết đã phát hiện số hàng hóa trị giá 29,5 tỷ won (tương đương 21 triệu USD) bị làm giả xuất xứ trong quý I/2025, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc và hầu hết được chuyển tới Mỹ.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các trường hợp lợi dụng Hàn Quốc làm điểm trung chuyển để né thuế và các rào cản do chính sách thương mại Mỹ thay đổi”, cơ quan này cảnh báo.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tăng cường kiểm tra xuất xứ nguyên liệu và ngăn chặn cấp phát giấy chứng nhận giả mạo. Thái Lan cùng thời điểm cũng đưa ra biện pháp siết chặt kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa đi Mỹ nhằm tránh trở thành nơi lách thuế.
Sarah Ou của Baitai Lighting cho biết công ty thường áp dụng điều kiện giao hàng “FOB” – nghĩa là trách nhiệm pháp lý thuộc về người mua sau khi hàng rời cảng Trung Quốc – nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý.
“Khách chỉ cần tìm cảng ở Quảng Châu hoặc Thâm Quyến, hàng tới đó là xong, còn sau đó thế nào không liên quan đến chúng tôi”, cô nói.

Một số công ty logistics khác thậm chí cho biết họ có thể chuyển hàng đến cảng Klang (Malaysia), sau đó chuyển vào container nội địa và thay đổi nhãn mác, bao bì, xuất xứ tại địa phương. Họ còn khẳng định có liên hệ với các nhà máy Malaysia có thể hỗ trợ cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
“Chắc chắn phía Mỹ biết chuyện này”, một nhân viên tiết lộ. “Nhưng không thể quá công khai, nên chúng tôi chỉ nhận đơn có giới hạn.”
“Hải quan Malaysia không quá nghiêm ngặt”, người còn lại nói thêm.
Sau khi bài báo được công bố, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia lên tiếng khẳng định sẽ điều tra và phối hợp với Hải quan nước này cũng như phía Mỹ nếu các cáo buộc là sự thật. “Chúng tôi coi việc khai báo gian dối giá trị hay xuất xứ hàng hóa là hành vi nghiêm trọng”, thông cáo viết.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chưa có phản hồi chính thức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc.
Một chuyên gia tư vấn cho biết ngoài “rửa xuất xứ”, doanh nghiệp Trung Quốc còn sử dụng cách trộn hàng – tức là ghép sản phẩm giá cao với hàng giá rẻ để khai báo tổng giá trị thấp hơn, từ đó giảm thuế nhập khẩu.
Một chủ doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại Đông Quan chia sẻ đã được giới thiệu đến một số bên trung gian bởi hai hiệp hội ngành trong nước, nhằm “giúp vượt rào” qua những kẽ hở pháp lý mập mờ.
“Tôi chỉ cần giao đến cảng Trung Quốc, phần còn lại họ lo”, bà cho biết. “Họ ra giá chỉ 5 tệ (khoảng 0,7 USD) cho mỗi kg hàng”.
“Họ nói doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi dễ xoay xở hơn vì có nhiều vùng xám. Tôi hy vọng đúng là như vậy. Thị trường Mỹ lớn quá, tôi không muốn mất nó”.
Việc hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách lách thuế đang khiến các đối tác Mỹ lo ngại. Một lãnh đạo cấp cao tại một trong 10 nhà bán hàng độc lập lớn nhất trên Amazon cho biết họ từng phát hiện các lô hàng có dấu hiệu bị thay đổi xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ bị Hải quan Mỹ tịch thu.
Vị này nói họ không muốn để nhà cung cấp Trung Quốc đứng tên nhập khẩu, bởi lo sợ nhà cung cấp có thể khai giá trị hàng hóa thấp hơn thực tế, gây rủi ro pháp lý.
“Việc đó đòi hỏi phải tin tưởng rất nhiều vào nhà cung cấp Trung Quốc – và tôi không chắc mình làm được”.
Theo FT
Hợp tác với nhà thầu Trung Quốc, dự án tàu điện ngầm hơn 90.000 tỷ đồng bất ngờ bị xóa sổ
Mỹ áp thuế kỷ lục, hàng Trung Quốc ồ ạt ‘quay đầu’ về nước: Nguy cơ khủng hoảng kép cận kề?