Tính chung 9 tháng đầu năm 2022 Masan Consumer lãi sau thuế 3.670 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – mã chứng khoán MCH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu và lợi nhuận không có nhiều đột biến.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 đạt 7.088 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Tuy vậy chi phí vốn lại tăng 7,5% dẫn tới lợi nhuận gộp còn 2.859 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong quý đạt 232 tỷ đồng, tăng 44,7% so với doanh thu 161 tỷ đồng đạt được quý 3/2021. Tuy vậy chi phí tài chính cũng tăng 44,7% lên 84 tỷ đồng. Doanh thu tài chính của Masan Consumer đến chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng và thu nhập lãi từ một bên liên quan vay. Còn chi phí tài chính chủ yếu từ chi phí lãi vay ngân hàng và lỗ chênh lệch tỷ giá cùng các chi phí khác.
Tổng chi phí bán hàng quý 3 hơn 1.200 tỷ đồng – đi ngang so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 54 tỷ đồng xuống mức 240 tỷ đồng.
Kết quả, quý 3 Masan Consumer báo lãi trước thuế 1.551 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.419 tỷ đồng, giảm 3,8% so với số lãi 1.474 tỷ đồng đạt được quý 3 năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu Masan Consumer đạt 18.906 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng 20% lên mức 635 tỷ đồng. Chi phí tài c hính tăng 55% lên 276 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm được 7,8% về mức 691 tỷ đồng.
Những nguyên nhân chính trên tác động khiến cho Masan Consumer còn lãi trước thuế 4.166 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.670 tỷ đồng, tăng 5,3% so với số lãi 3.486 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm 2021.
Về tình hình tài chính, tiền và tương đương tiền cuối quý 3 còn hơn 3.100 tỷ đồng – giảm gần 9.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó ngoài tiền mặt tại quỹ và tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng 165 tỷ đồng, thì Masan Consumer còn khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng gần 3.000 tỷ đồng, giảm 9.900 tỷ đồng so với đầu năm.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 169 tỷ đồng đầu năm lên 1.495 tỷ đồng, trong đó có khoản gần 300 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và phát sinh mới khoản 1.200 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh. Chứng khoán kinh doanh của Masan Consumer đang đầu tư vào 12 triệu trái phiếu – và công ty ghi nhận chưa xác định giá trị hợp lý của chứng khoán kinh doanh để thuyết minh trong BCTC.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 7.074 tỷ đồng đầu năm lên hơn 16.200 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 9.100 tỷ đồng – trong đó có khoản “phải thu ngắn hạn khác” tăng từ 2.200 tỷ đồng lên gần 11.100 tỷ đồng – tương ứng tăng 8.900 tỷ đồng. Trong khoản phải thu ngắn hạn khác này, có 8.030 tỷ đồng là khoản phát sinh mới, được thuyết minh là “các khoản ký quỹ cho hoạt động đầu tư”.
Ngoài ra còn khoản “phải thu về cho vay ngắn hạn” 4.472 tỷ đồng – tăng gần 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm – là khoản phải thu cho vay từ một bên liên quan với số tiền gần 4.200 tỷ đồng, không được đảm bảo và hưởng lãi suất thoả thuận, đáo hạn vào tháng 12/2022. Lãi cho vay được thu vào ngày đáo hạn.
Tiền gửi ngân hàng nhiều, cho vay cũng nhiều, tuy vậy Masan Consumer cũng còn khoản đi vay nợ thuê tài chính lớn. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đến 30/9/2022 hơn 5.200 tỷ đồng (giảm được 2.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 873 tỷ đồng (giảm gần 200 tỷ đồng so với đầu năm).
Chi phí tăng, Masan Consumer (MCH) báo lãi quý 2 chỉ còn hơn nghìn tỷ đồng
Khối ngoại bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng, tâm điểm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
Khối ngoại rót ròng kỷ lục vào Masan Consumer, cổ phiếu MCH vượt đỉnh lịch sử