Chi tiết hướng đi của tuyến đường sắt hơn 200.000 tỷ đồng, dài gần 400km, đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam
Tuyến đường sắt này dự kiến đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với tổng chiều dài 388km.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do liên danh TEDI - TRICC - HP - CCTDI xây dựng, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hướng đến việc xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, kết nối với Trung Quốc và cảng biển Hải Phòng.
Tuyến đường sắt này dự kiến đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với tổng chiều dài 388km.
Toàn tuyến có 30 ga, trong đó gồm 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật. Tốc độ thiết kế của tuyến chính đạt 160km/h, các đoạn nhánh đạt 80km/h, riêng đoạn qua Hà Nội đạt 120km/h.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 211.030 tỷ đồng, trong đó 135.600 tỷ đồng từ vốn vay ưu đãi sẽ được sử dụng cho việc xây dựng, mua sắm thiết bị, tư vấn thiết kế và giám sát. Phần vốn đối ứng từ Chính phủ, khoảng 75.430 tỷ đồng, sẽ dành cho chi phí quản lý dự án, thuế, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và lãi vay.
Tuyến có điểm đầu tại ga Lào Cai (kết nối ray qua biên giới với ga Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc) và điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) với tổng chiều dài chính tuyến khoảng 388,35km.
Đoạn ga Lào Cai - ga cảng Lạch Huyện dài 383,24km, trong khi đoạn từ ga Lào Cai đến điểm nối ray dài 5,11km.
Tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài khoảng 7,89km, và tuyến nhánh nối ga Yên Thường với ga Yên Viên dài 2,18km.
Hướng tuyến bắt đầu từ ga Lào Cai, men theo bờ trái sông Hồng hướng Đông Nam, vượt qua tuyến đường sắt hiện tại, sông Hồng, Quốc lộ 4E và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Từ đây, tuyến đi về phía bờ phải của sông Hồng, song song với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến ga Yên Bái. Sau khi rời ga Yên Bái, tuyến tiếp tục hướng Đông Nam, vượt qua sông Hồng và đường cao tốc, chạy dọc bờ trái sông Hồng trên địa phận tỉnh Phú Thọ.
Đến ranh giới giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc, tuyến vượt qua sông Lô, đi song song với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai về phía Đông, rồi vượt qua đường cao tốc và tiếp tục song song bên phải cho đến ga Phúc Yên mới.
Từ đây, tuyến trùng hành lang tuyến đường sắt hiện tại đến ga Đông Anh.
Tại khu vực Hà Nội, tuyến tiếp tục hướng Đông Nam, vượt qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để tới ga Yên Thường, sau đó chạy song song bên trái đường cao tốc, vượt qua sông Đuống, đường sắt hiện tại Hà Nội - Đồng Đăng, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1B đến ga Kim Sơn.
Từ ga Kim Sơn, tuyến đi về phía Nam, tránh khu dân cư và khu công nghiệp tại huyện Văn Lâm, vượt tuyến đường sắt hiện tại Hà Nội - Hải Phòng và đi song song bên phải đường tỉnh 385.
Sau đó, tuyến vượt qua Quốc lộ 5B và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tiếp tục song song bên phải đến ga Nam Hải Phòng. Từ đây, tuyến vượt qua sông Lạch Tray, đi song song với đường bộ Tân Vũ - Lạch Huyện và kết thúc tại cảng Lạch Huyện.
Đối với đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray, liên danh tư vấn đề xuất xây dựng tuyến mới phía Bắc ga Lào Cai hiện tại, cắt qua các khu công nghiệp và khu vực địa hình phức tạp.
Tuyến sẽ tránh khu dân cư thuộc Phố Mới, TP. Lào Cai, vượt núi bằng hầm, đi qua nhà máy xi măng Hoàng Liên Sơn, vượt Quốc lộ 4D và sông Nậm Thi trước khi kết nối vào ga Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc. Tổng chiều dài đoạn nối ray khoảng 5,11km.
Cũng heo Quyết định số 1769/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, dự án sẽ bố trí 31 nhà ga, gồm 3 ga lập tàu, 20 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật, với khoảng cách trung bình 12,94km giữa các ga.
Khoảng cách lớn nhất là 20,9km (giữa ga Bảo Thắng và ga Sa Pa), nhỏ nhất là 5,1km (giữa ga Bắc Hồng và ga Đông Anh).
Một số ga chính bao gồm: Ga Lào Cai sẽ được xây mới, cách ga hiện tại 1,6km, diện tích 60ha, phục vụ hành khách, hàng hóa và liên vận quốc tế.
Ga Sa Pa: Kết nối sân bay Sa Pa, diện tích 7,5ha.
Ga Yên Bái mới: Phục vụ hành khách, hàng hóa, diện tích 33,6ha.
Ga Nam Hải Phòng: Diện tích 51ha, là ga lập tàu hàng hóa và hành khách.
Ga cảng Lạch Huyện: Đón tiễn tàu hàng, phục vụ logistics, diện tích 22ha.
Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA làm dự án đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân
Phó Thủ tướng chỉ đạo 'nóng' về Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam